Là người Việt Nam đầu tiên bắt tay vào làm hoa khô nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu nay đã bước sang tuổi “Thất thập cổ la hy”. Tâm nguyện lớn nhất lúc này của ông là được truyền nghề cho thế hệ trẻ, để nghề này không bị mai một, thất truyền.
Ý tưởng kiếm đô la từ cỏ rác
Gặp nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu tại xưởng sản xuất, đồng thời cũng là nhà riêng của ông tại ngõ Gốc Đề, Minh Khai (Hà Nội), khi ông đang miệt mài chau chuốt, hoàn thành khâu cuối cùng cho những tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhìn những bông hoa, bức tranh sinh động lung linh với đủ màu sắc được treo và bài trí khắp nơi trong căn phòng nhỏ chừng 12m2, không ai có thể ngờ rằng tất cả những sản phẩm nghệ thuật ấy đều được nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu tạo nên từ những cánh hoa, lá cây đã khô héo vô giá trị.
Dẫn chúng tôi thăm quan xưởng sản xuất của mình, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu bồi hồi nhớ lại duyên kỳ ngộ của mình với nghề làm hoa, lá cây đã khô héo vô giá trị. khô nghệ thuật.
Năm 1972 khi còn làm cán bộ về ngành hoa trong Tổng công ty Artexport thuộc Bộ Ngoại Thương (cũ), Nguyễn Bá Mưu đã có dịp tiếp xúc với nghề làm hoa khô Nhật Bản khi người Nhật tìm ông để đặt mua nguồn nguyên liệu từ Việt Nam. “Khi đó tôi đã rất thích thú với đơn hàng này vì lần đầu tiên biết được những những nguyên liệu trước đây vốn dĩ bỏ đi như lá rụng, bông lau, cành cây… lại có thể sản xuất để đổi lấy đô la”, ông Mưu bộc bạch.
Từ đó, ý tưởng làm hoa khô nghệ thuật, biến những nguyên liệu sẵn có trong nước thành những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cứ trở đi trở lại trong những giấc ngủ của ông. Với lòng đam mê cháy bỏng cùng sự cần cù nghiên cứu, tìm tòi không mệt mỏi, cuối năm 1996, Nguyễn Bá Mưu bắt tay vào làm hoa khô. Để tìm nguyên liệu, ông không quản ngại vất vả, lặn lội khắp từ bắc vào nam. Từ Cà Mau, Lạng Sơn, Cao Bằng… nơi nào có nguyên liệu có thể làm được hoa khô đều được ông ghi nhận.
Ban đầu, mọi thứ đều rất khó khăn do toàn bộ công nghệ, từ lựa chọn nguyên liệu, phơi phóng, tẩy rửa hóa chất, sáng tạo tác phẩm đều phải tự mầy mò, nghiên cứu. Bao nhiêu tiền của đổ hết vào việc nghiên cứu hoa khô nhưng thành quả thu lại thì ít ỏi. Ông Mưu kể, “Có những khi gặp phải chỗ khó mất mấy ngày liền vẫn không tìm ra giải pháp, tôi thấy thật cay đắng, nhưng nghĩ tới đây là một nghề mới, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước nên quyết tâm làm bằng được”.
Tranh Đông Hồ được tái hiện bằng hoa và lá khô
Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, bè bạn và tài năng của bản thân, công việc làm hoa khô nghệ thuật của ông ngày càng tiến triển tốt. Nhiều sản phẩm ra đời nhận được sự đón nhận của công chúng, đặc biệt được các bạn trẻ Hà thành rất yêu thích. Hiện tại các tác phẩm tranh và hoa khô của Nguyễn Bá Mưu đã xuất hiện tại nhiều cửa hàng, phòng triển lãm trong nước. Ngoài ra, ông cũng có một số các đối tác nước ngoài đặt mua tranh lâu dài tại các nước Pháp, Đức, Nga…
Dạy nghề miễn phí
Dù đã bước sang tuổi 71 và đã khá thành công sau gần 40 năm bước vào nghề, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu lại có những trăn trở mới, đó là làm sao tìm ra những người trẻ tâm huyết để nghề làm hoa khô nghệ thuật không bị mai một. Từ cuối thập kỷ 90 ông đã bắt đầu thu nhận học trò. Từ những cô cậu học sinh, sinh viên, họa sĩ, cho tới những người khuyết tật đều có thể trở thành truyền nhân của ông. Hiện tại, xưởng sản xuất hoa khô của ông đang có gần chục người theo học. Trong đó, có 4 học sinh bị câm điếc hoàn toàn.
Nói về công việc dạy học miễn phí cho người tật nguyền, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu bảo: Ban đầu tôi nghĩ rằng mình sẽ không thể nào dạy được những học trò như thế. Vì họ không thể nghe cũng ko thể nói, mỗi lần muốn truyền đạt ý tứ là tôi lại phải viết ra giấy cho họ đọc. Sau này tiếp xúc mình mới thấy cảm thông và tìm được tiếng nói chung với họ.
Nhớ lại quá trình dạy nghề của mình, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu xúc động kể: “Có một cô học trò tên Thủy ở Ba Vì, bị liệt cả hai chân phải nhờ người đẩy xe lăn vào sân nhà tôi xin học làm hoa khô nghệ thuật. Không những thế cô này còn bị tật ở tay, nhưng rồi cô ấy quyết tâm học và đã làm được. Tôi thấy chính bản thân mình phải học tập về ý chí, nghị lực bám vào cuộc sống của những người tật nguyền”.
Cho tới nay, nhiều thế hệ học trò của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu đã thành nghề, trở thành những người có ích cho xã hội. Nhiều người dù đã có cơ sở sản xuất riêng nhưng mỗi khi gặp chỗ khó trong nghề lại quay về hỏi thầy, và ngay lập tức có được lời giải đáp.
Chị Hoàng Thu Nga, một trong những học trò của nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu hiện đang kinh doanh mặt hàng hoa tươi, hoa và tranh khô nghệ thuật trên phố Phạm Đình Hổ xúc động nói về người thầy của mình: “Bác Mưu đã truyền tình yêu, sự đam mê nghề nghiệp cho chúng mình. Có lúc mình cảm thấy quá sức, mệt mỏi và nản chí thì bác Mưu động viên rằng “hãy cố gắng lên, nó sẽ trả công xứng đáng cho các cháu”. Thế là chúng mình như được tiếp thêm sức mạnh để theo nghề”.
Không chỉ dạy nghề, nhiều học trò của ông sau khi thành nghề còn được ông giới thiệu, tìm việc là để họ không rơi vào cảnh thất nghiệp.
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Nguyễn Bá Mưu cho biết, quãng đời còn lại của mình ông dự định sẽ chỉ dành cho việc dạy nghề. Ông bảo: “Suốt cuộc đời tôi yêu hoa yêu nghệ thuật. Tôi chỉ thấy vui khi nào tôi làm được một sản phẩm đẹp. Tôi hài lòng vì năm nay đã 71 tuổi vẫn làm được ra tác phẩm cho đời, vẫn dạy học và cho các cháu được bát cơm ăn, vẫn cho những người thất nghiệp được cái cần câu để họ câu cơm”.
Tôi chợt nghĩ, lòng mong mỏi của người nghệ nhân già ấy có lẽ đã không uổng phí, khi hoa khô nghệ thuật đang dần chiếm một vị trí nhất định trong đời sống, cùng với sự trưởng thành của bao lứa học trò do đích thân ông truyền dạy.
Nguồn: diendan.vietflower.info
11:36 23/01/2014 Đẹp kinh ngạc vườn hoa "tình yêu vĩnh cửu" ở Nhật Bản
10:00 03/01/2014 Những gam màu rực rỡ tại Festival hoa Đà Lạt 2013
10:11 30/10/2013 Lung linh lễ hội hoa Đà Lạt 2013
10:39 25/09/2013 Tử la lan một tình yêu
10:47 16/09/2013 Một vụ hoa mới
10:22 12/08/2013 Hoya fratern
08:27 05/08/2013 Thiên Sơn Tuyết Liên hoa
10:47 24/07/2013 Mùa Dừa cạn rủ đầu tiên (6/2012)
15:11 10/07/2013 Hành trình sưu tầm Tử Linh Lan
10:10 09/07/2013 Hoa chuông Million Bells - vì sao phải trả lại tên cho Em ?
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+