Theo một số tài liệu, cây sanh có tên khoa học là Ficus indica, thuộc họ Morace. Đặc điểm hình thái cấu tạo: Là cây thân gỗ, trong điều kiện tự nhiên có thể đạt chiều cao 15 - 20 m, có khả năng phân cành cao và trên thân hoặc cành thường là hình các u bướu và các sống gờ do sự sinh trưởng mạnh. Sanh trồng hạt và có khả năng mọc mầm tạo ra cây con. Ngoài phương thức sinh sản này thì phương thức nhân giống chủ yếu của sanh là nhân bằng phương pháp vô tính từ các cành, rễ. Sanh có mặt ở các vùng nhiệt đới ẩm và hiện nay thường gặp hầu hết các vùng của đất nước Việt Nam. Chúng sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm và hình thành các trồi lá mạnh vào mùa mưa.
Hiện nay, đi đâu cũng nghe giới chơi cây kiểng ở Phú Yên bàn tán về chuyện chơi cây sanh. Theo họ, cây sanh nay đã “soán ngôi” cây lộc vừng - loại cây một thời được mệnh danh là “vua” của các loài cây cảnh.
Trước đây, nhiều người Phú Yên trồng cây sanh chủ yếu để trang trí trong gia đình, chưa ai nghĩ đến giá trị kinh tế của chúng. Khoảng năm 2008, một số dân chơi cây kiểng ở các tỉnh phía Bắc vào Phú Yên tìm mua cây sanh kiểng. Họ trả giá cao bất ngờ, dẫn đến ngày càng nhiều người Phú Yên trồng sanh cảnh để làm kinh tế.
Từ quan niệm đến ưa chuộng
Anh Cao Tấn Thuận, ở thôn Mỹ Lệ (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa), một nghệ nhân chuyên về cây sanh cảnh, cho biết: “Sở dĩ cây sanh có giá trị kinh tế cao là do nhu cầu của thị trường hiện rất lớn. Vì quan niệm 4 loài cây quý “sanh, sung, đa, lộc” hoặc “đa, sung, sanh, si” ứng với tứ linh “long, lân, quy, phụng” nên nhiều người chơi cây kiểng chọn chơi cây sanh. Sanh có gần 40 loại, điểm phân biệt giữa các loại chủ yếu là phần lá (to, nhỏ, dày, thưa…). Dân chơi cây kiểng chọn sanh của miền Trung, mà nhất là ở Phú Yên vì các loại sanh ở tỉnh mình lá nhỏ, da thân cây sần sùi, bắt mắt và đặc biệt là có nhiều cây sanh cổ thụ”. Cũng theo anh Thuận, cây sanh được giới chơi cây kiểng ưa chuộng vì nhiều người quan niệm rằng có cây sanh trong nhà, sự nghiệp làm ăn của chủ nhân sẽ luôn sanh sôi, nảy nở, giống như người ta quan niệm về lộc từ cây lộc vừng vậy.
Theo giới chơi sanh, cây có dáng (thế) ở ý nghĩa nguyên thủy, vốn dĩ là hình ảnh thiên nhiên thu nhỏ lại để đưa vào trong không gian vườn nhà. Dáng cây không chỉ thể hiện ý nghĩa thẩm mỹ cụ thể mà còn thể hiện một thế giới nhân sinh quan. Sanh được chơi theo nhiều thế dáng độc đáo nhất trong họ hàng cây kiểng với các dáng, thế: Trực, trực hoành, siêu phong, siêu phong hồi đầu, cuồng phong, thác đổ (huyền nhai), bán huyền nhai, phu thê, mẫu tử… Vì sanh có thân cành dẻo dễ uốn nên dễ biến thể, tạo dáng. Tuy nhiên, cũng không hề dễ “ăn” chút nào, theo giới chơi cây kiểng, cây sanh có giá trị phải là những cây đạt các chuẩn “mỹ - kỳ - cổ”. Anh Cao Tấn Thuận nói: “Nghề chơi này cũng lắm công phu, muốn đầu tư vào cây sanh đòi hỏi tay nghề của người chăm sóc không chỉ nắm vững từ kỹ thuật, từ đời sống, từ chu trình phát triển của mỗi loài cây mà còn phải hiểu sâu trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình cây cảnh, đòi hỏi sự kỳ công chăm sóc và phải biết chờ đợi”.
Để bán được với giá vài triệu đồng, cây sanh phải có ít nhất 5 năm tuổi. Sanh càng lâu năm, càng giá trị, đó là những cây sanh dáng cổ thụ hay còn gọi sanh dáng cây đa làng (những cây sanh này ngoài bộ rễ đồ sộ dưới đất, còn phải có những tua rễ mọc ra từ cành lớn hoặc thân). Giới đại gia sẵn sàng mua những cây sanh này vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Sanh ở Phú Yên bị giới thương lái săn lùng nhiều năm qua nên trở nên khan hiếm, do đó có thể lý giải một phần nguyên nhân khiến cây sanh càng lúc càng sốt giá.
Làm giàu từ cây sanh
Nhờ sớm biết giá trị cây sanh và niềm đam mê chơi cây kiểng nên anh Lê Văn An, ở thôn Mỹ Lệ (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa) đã đầu tư lớn vào loại cây này. Đến nay anh An có trong tay hàng trăm chậu sanh kiểng có giá trị trung bình từ 3 - 15 triệu đồng một chậu, và có những chậu trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh An cho biết, nếu bán trọn gói cho thương lái thì vườn sanh của anh có giá gần cả tỉ đồng.
Anh An cho hay: “Trồng sanh là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế được tôi xác định cách đây hơn 5 năm. Tôi bắt đầu gây dựng vườn sanh bằng cách gieo ươm và săn lùng mua sanh (thô) của người dân trồng chơi trong vườn, về tiếp tục bỏ công đầu tư chăm sóc, tạo dáng nâng tầm giá trị chúng lên”. Bắt đầu từ năm 2008, nhà anh An được nhiều người khắp nơi biết đến như là điểm cung cấp cây sanh kiểng độc đáo trong vùng. “Tôi dự kiến mở rộng đầu tư thành lập vựa cây sanh kiểng để xây dựng thương hiệu” - anh An nói.
Anh Hà Ngọc Thái, ở phường 9 (TP Tuy Hòa) là một người có thâm niên trong lĩnh vực chơi sanh kiểng. Hiện anh đang sở hữu một số cây sanh độc đáo, rất có giá trị. Anh Thái cho biết, thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng từ việc mua sanh thô về chăm sóc và bán lại cho các thương lái. “Thương lái mua sanh kiểng về chủ yếu bán sang Trung Quốc và giới “đại gia” các tỉnh phía Bắc. Từ việc ưa chuộng sanh, rồi hình thành thú chơi thịnh hành và tạo ra cơn sốt giá. Nhiều nhà vườn ở phường 9 đã chuyển sang trồng sanh để làm kinh tế” – anh Thái nói.
Theo Báo Phú Yên
15:41 19/03/2014 Các trường phái Bonsai trên thế giới
10:46 22/03/2013 Các tác phẩm bonsai tại Triển lãm bonsai EBA in Lorca - P.1
10:30 26/02/2013 Cắt tỉa tạo dáng cho Bonsai
11:57 05/01/2013 “Thắng đổ” - Người đưa bonsai lên sân thượng
10:43 13/12/2012 Tạo dáng rễ rủ cho bonsai dáng dù
14:42 11/12/2012 Tạo và áp dụng Uro cho cây bonsai
14:19 10/12/2012 Tỷ lệ vàng của cây và những dáng cây cơ bản
15:20 08/11/2012 Uốn cành rơi
08:20 02/11/2012 Chậu cho Bonsai – không phải đắt là đẹp
08:11 02/11/2012 Giá trị thẩm mỹ của bonsai
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+