Họ là những “nghệ nhân nông dân" sáng tạo nên những tác phẩm sinh vật cảnh (SVC) vô cùng độc đáo. Đặc biệt, những năm gần đây khi trào lưu chơi cây cảnh “quý tộc” ngày càng sôi nổi, họ đã nhanh chóng trở thành những tỷ phú chân đất khi nắm trong tay những tác phẩm nghệ thuật vô giá.
THÀNH TỶ PHÚ TỪ THÚ VUI
Chúng tôi tìm đến thăm nhà ông Vũ Đình Khiết, một trong những nghệ nhân đi đầu phong trào SVC của xã Nghĩa Tân (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định). Khu vườn gia đình ông quy tụ hàng trăm gốc cây cảnh với đủ các loại như cây sanh, si, tùng la hán, tùng kim, mai chiếu thủy... Chỉ cần nhìn vào bộ sưu tập các loại cây cảnh mà ông đã dày công sưu tầm, chăm sóc suốt nhiều năm qua sẽ thấy được niềm đam mê mà ông đã dồn hết tâm huyết của mình vào đấy.
Trước khi trở thành nghệ nhân cây cảnh , ông Khiết từng là chủ tiệm kinh doanh vàng bạc và xe gắn máy nổi tiếng ở Nghĩa Tân. Sau nhiều năm lăn lộn với thương trường, ông chợt thấy thèm tìm một nơi yên tĩnh với thật nhiều cỏ cây, hoa lá, cây cảnh để nghỉ ngơi, an dưỡng sau những tháng ngày làm việc vất vả. Đây cũng là lý do khiến ông bắt tay vào sưu tầm các loại cây cảnh từ cách nay khoảng gần 20 năm.
Niềm đam mê khiến nghệ nhân gắn bó suốt đời với “nghiệp cây cảnh”
Dẫn tôi ra tham quan “đại bản doanh” cây kiểng của gia đình ông phía sau nhà, ông Khiết hào hứng giới thiệu về từng tác phẩm. Một trong những công trình mà ông tâm đắc nhất, hiện còn đang trong quá trình hoàn thành, đó là tác phẩm "Tình đoàn kết hữu nghị ba nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Camphuchia" (đến nay gốc này đã hơn 20 năm tuổi, có trị giá hàng trăm triệu đồng) được đặt ngay trước sân nhà ông. Bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm khác như “Long hóa rồng”, “Chúa sơn lâm”, hay tác phẩm “Nghìn năm Thăng Long” với cách tạo thế cây rất độc đáo, hợp lý và đẹp mắt.
Vào nhà lục tìm tấm hình chụp tác phẩm "Nghìn năm Thăng Long”, ông Khiết khoe: “Tác phẩm này của tôi đã vinh dự được chọn để trưng bày trong đợt Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tại Hà Nội đấy. Có rất đông khách hàng muốn tận mắt đến tham quan chiêm ngưỡng và họ sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu tác phẩm này”. Nhìn toàn bộ công trình cây cảnh đồ sộ của gia đình ông được thể hiện bằng chính đôi bàn tay khối óc của người nghệ nhân và còn đặc sắc hơn qua lời diễn thuyết về ý tưởng, chủ đề của mỗi tác phẩm ngầm gửi gắm mang ý nghĩa sâu sắc.
Theo chân ông Khiết tiếp tục đến thăm nhiều khu vườn kiểng của các nghệ nhân khác, chúng tôi thật sự bất ngờ bởi rất nhiều công trình cây cảnh hoành tráng có trị giá lên tới bạc tỉ. Ông Vũ Văn Tuế (đội 8, xã Nghĩa Tân) cũng là một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong làng cây cảnh , đang mải mê chăm sóc những chậu cảnh - “đứa con tinh thần” của ông ngoài vườn.
Gặp chúng tôi, ông Tuế phấn khởi tâm sự: "Tôi đang cho mở rộng vườn, cải tạo đất để ươm trồng thêm nhiều loại cây cảnh mới có giá trị. Xu hướng chung bây giờ, mấy anh ở thành phố rất ưa chuộng cây cảnh, bonsai vì chúng không tốn nhiều diện tích, lại có dáng đẹp. Nhưng để hoàn thành một tác phẩm cây cảnh hay bonsai người nghệ nhân chúng tôi cũng tốn rất nhiều công sức và thời gian từ khâu uốn, tạo dáng đến cắt cành…Thậm chí có khi phải mất vài tháng đến cả năm trời mới bật ra được ý tưởng để tạo thế phù hợp cho cây".
Gia đình ông Tuế có 2 mẫu vườn (khoảng 500 gốc cây cảnh các loại) ươm trồng chủ yếu là những loại cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt có những gốc cổ thụ khoảng hơn 100 năm tuổi như gốc Long cổ, mà theo ông “quát” thì giá trị của nó là… vô cùng.
Các nghệ nhân trong Hội SVC xã Nghĩa Tân đang trao đổi kinh nghiệm
Ngồi nhấp hớp trà nóng, ông Tuế lại say sưa kể: “Để có được bộ sưu tập, tôi phải lặn lội khắp nơi, lên rừng xuống biển lùng sục tìm kiếm. Cứ nghe tin ở đâu có cây đẹp là tôi rủ mấy ông bạn chí cốt lên đường tìm mua bằng được từng cây cảnh về trồng rồi bắt đầu tạo dáng, thế cho cây. Nhiều chuyến đi “săn” cây cả tháng nhưng về tay trắng. Khi thấy cây đẹp, mình rất ưng ý, nhưng để thuyết phục được người ta bán cho mình là một điều cực kỳ khó. Tôi phải trình bày cho họ thấy mình là người chơi cây thực sự, đam mê thực sự, chứ không phải thương lái. Vậy mà nhiều chủ cây vẫn nghi ngờ và lắc đầu quầy quậy bảo rằng không bao giờ bán cho thương lái”.
KHÔNG NGỪNG ĐAM MÊ, SÁNG TẠO
Sau khi rời ghế Trường PTTH Nghĩa Hưng B, xung phong đi nghĩa vụ đến năm 1997 xuất ngũ trở về quê hương, anh Nguyễn Văn Thẩm (đội 10, xã Nghĩa Hồng) từ hai bàn tay trắng, bắt đầu trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Anh mạnh dạn “quy hoạch” lại khu vườn tạp, ruộng hoang thành vườn và bắt đầu bước vào “nghiệp bonsai”. Với sự đam mê, ham học hỏi và được các thế hệ đi trước hướng nghiệp…cây cảnh, khiến anh rất nhanh “lên tay” và đến nay đã trở thành một nghệ nhân giỏi trong lĩnh vực SVC.
Ghé thăm gia đình anh Thẩm, chúng tôi được chứng kiến toàn bộ khu “đại bản doanh” cây cảnh trồng quanh căn nhà biệt thự mới xây hoành tráng. Nhưng bất ngờ hơn khi tôi nghe vợ chồng anh bộc bạch khoe: “Có lần may mắn khi gặp được ông khách sộp nên chỉ cần đổi hai gốc cây cảnh đã đủ tiền xây được căn nhà này đấy”.
Căn biệt thự được xây dựng bằng tiền bán 2 cây cảnh
Nguồn: nongnghiep.vn
15:41 19/03/2014 Các trường phái Bonsai trên thế giới
10:34 09/04/2013 Chơi sanh- từ quan niệm đến ưa chuộng
10:46 22/03/2013 Các tác phẩm bonsai tại Triển lãm bonsai EBA in Lorca - P.1
10:30 26/02/2013 Cắt tỉa tạo dáng cho Bonsai
11:57 05/01/2013 “Thắng đổ” - Người đưa bonsai lên sân thượng
10:43 13/12/2012 Tạo dáng rễ rủ cho bonsai dáng dù
14:42 11/12/2012 Tạo và áp dụng Uro cho cây bonsai
14:19 10/12/2012 Tỷ lệ vàng của cây và những dáng cây cơ bản
15:20 08/11/2012 Uốn cành rơi
08:20 02/11/2012 Chậu cho Bonsai – không phải đắt là đẹp
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+