Chơi cây cảnh, chơi đá tảng, chơi non bộ, là môn chơi tao nhã, hấp dẫn, từ ngàn xưa của người Việt, kể cả các dân tộc phương đông và ngày nay thú chơi này đã lan rộng sang các nước phương tây.
Non bộ là núi nhân tạo, dùng đá, vữa hồ, đất… tạo cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hang động, ghềnh thác, núi cao biển rộng của cảnh thật hay cảnh tưởng tượng, được bàn tay nghệ nhân khéo léo bầy xếp, gắn tạc, đục đẽo, để dàn trải trong vườn cảnh, hay trong hồ cá, hoặc ngay trong chậu cạn, đồng thời điểm xuyết, trang trí rêu cỏ, cây cối nhỏ bé có dáng vóc cổ thụ, một số hình tượng (như mục đồng, ngư ông, tiều phu, tiên ông, đạo sĩ…, chùa tháp, đền miếu, cầu đường, ghe thuyền, thác nước đổ, phun sương, phun khói, cù lao, muông thú bằng sành, bằng đất sét v.v…) hầu diễn tả một sự tích, một câu chuyện làm cho non bộ có nội dung và linh hoạt, gợi hình, gợi cảm cho người thưởng ngoạn.
Có non bộ cao lớn hàng chục, hàng trăm thước tây, ví dụ hòn “Vạn Tuế Sơn” của vua Lý Thái Tông chế tác năm Mậu Thìn 1028, và cũng có non bộ bé nhỏ bằng gang tay hay nhỏ hơn
Theo Lê Văn Siêu thì: không thể căn cứ vào lớn nhỏ mà luận về sự quí giá của non bộ. Nhiều khi nhỏ mà toàn thể là một cục long não, hoặc là một hình hết sức đẹp bầy trên án thư của nhà ẩn sĩ, để những khi nhà ẩn sĩ mở sách thánh hiền ra đọc và đốt một đỉnh hương trầm cho khói tỏa lên cây lên núi như những làn mây thì dẫu người trần mắt thịt đến đâu cũng phải thấy ngay m?t vẻ gì là tiên phong đạo cốt.
Người ta lại còn dùng núi đá ấy để làm nghiên mực nữa. Ta hãy tưởng tượng một cái bể nước con con với rêu, cỏ, cây, nhỏ lí tí trên một hòn non nhỏ bằng đá trắng, với những từng đá lăn tăn như dợn sóng, ôm lấy một mảng đá như một cái thung lũng để mài mực, và nhà nho cầm bút chấm vào nghiên mực ấy để viết những vần thơ, thì ta thấy rằng người Việt Nam xưa dẫu chẳng tiên thì cũng đã chẳng còn gì là tục nữa. (1)
Nghĩa ngữ
Non bộ là thuật ngữ cổ thuộc gốc Nam Á.
Từ Bộ có nghĩa là dáng vẻ, bắt chước, phỏng theo, nhái theo, kiểu cách, mô phỏng, ra vẻ… Ví dụ: giả bộ, làm bộ, điệu bộ, bộ dạng… Từ Non có nghĩa là núi.
ảnh mang tính minh họa
Cùng một nghĩa chỉ núi với các từ trong ngữ hệ Malayo-Polynesiene và Mon-Khmer thuộc văn minh Nam Á, chúng ta thấy từ Ph-num của người Miên, từ Phơnơm của người Mạ, từ Bơnơn của người Bà-na dọc Trường sơn, từ B-non của người Ê-đê nam Tây nguyên, từ Gu-nong hay phunông của người Mã-lai, từ Phu của người Thái, từ B-nam của cổ Phù-nam (2), v.v….
Khi xưa tiếng Hán đang còn đóng khung ở vùng phía bắc sông Hoàng-hà, sông Vị-hà thì nó chưa thể có nhiều những từ nêu lên tên gọi của những sản vật mà chỉ phương nam mới có, do đó có sự vay mượn, ảnh hưởng qua lại. Những danh từ chỉ thực vật như cảm lãm (trám), phù lưu (trầu) ba la mật (mít) v.v…. chắc chắn là những danh từ vay mượn các ngôn ngữ vùng nhiệt đới. Để chỉ sông, phía Bắc, người Hán gọi là Hà, nhưng từ sông Dương Tử trở về Nam lại gọi là Giang. Theo các nhà Địa danh học giang là một từ vay mượn, thanh phù công () đứng cạnh bộ chấm thuỷ ()trong chữ giang () rất dễ dàng gợi cho chúng ta nghĩ đến Kion (Miến), Kon (Katu), Karan (Mơ Nông), Krong (Chăm), Không (Mường), Hông (Khả), Krông (Bà Na), Khung (Thái), Sôngai (Mã Lai), cũng như nghĩ đến Sông trong tiếng Việt (3), (Việt Miên Lào có chung con sông là Mê-kông).
Có khi chiều ảnh hưởng chỉ đi theo một đường thẳng đơn giản, từ bên này sang bên kia, nhưng cũng nhiều khi mũi tên có thể đi đường vòng từ A sang B, rồi lại từ B quay trở về A. Ví dụ ở tiếng Nam Á có danh từ chỉ một thứ võ khí ta gọi là Ná (So sánh với Na của Mường, của Chức, nả của La-ha [Mường-la], Hna của Bà Na, của Ê-dê, Mnaá của Sơ Đăng, Sa-Na của Kơ-ho, S-Na của Miên, Snao của Raglai, Na của Mạ, Hnaá của Gia Rai, Sơ-Na của Srê, Sna của Chăm Phan Rang, Phan Rí, Nả của Thái hay Pnả của Mã Lai), có nhiều cơ sở để có thể khẳng định chính từ tên gọi này được nhập vào vốn từ vựng của người Trung Quốc, sản sinh ra tiếng Hán có cách đọc Hán Việt cổ là Nõ hay Hán Việt hiện nay là Nỗ ([ ] tổng hợp của thanh phù Nô [như nô bộc] đứng trên chữ Cung tượng hình [ ]) rồi lại quay trở về Việt Nam được đọc theo Nôm là Nỏ. Nỏ là một phát minh của người phương Nam.
Từ Non bộ hay Bơnơn Bouy là mô phỏng núi, dáng vẻ núi non, nhái theo núi non, hoặc còn gọi là núi giả, sau này được các nho sĩ, sử gia chuyển ngữ sang chữ Hán mà cách đọc Hán Việt là giả sơn. Nhưng thuật ngữ giả sơn lại không được thông dụng ở Trung quốc, kể cả Hoa Nam và Hoa Bắc. Người Trung quốc quen dùng thuật ngữ Bồn tài (p-en tsai – cây trong chậu) Bồn cảnh (p-en ching – cảnh trong chậu), mãi đến cuối thời Nguyên (1271-1368), thời Minh (1369-1643) mới xuất hiện danh từ chữ Hán hoàn chỉnh có cách đọc Hán Việt là Sơn Thủy Bồn Cảnh (shan shui p-en ching – cảnh sơn thuỷ trong chậu) (4), để chỉ lối chơi giống hệt như lối chơi non bộ ở Việt Nam.
Người Thái Lan có lối chơi Mai khèn (cây lùn) hay Mai dăt (cây uốn), người Nhật có lối chơi bonsai (bồn tài – cây trong khay, trong chậu), Bonseki (bồn thạch – đá trong khay, trong chậu). Theo tác giả Nguyễn Vọng thì: Người Nhật có nghệ thuật đặt đá trên khay để trưng, không có cây cỏ. Giả thử đá ấy có hình dáng một trái núi thu nhỏ ta cũng không nên coi đó là một non bộ (5).
Phan Quỳnh
Chú thích:
(1) Lê Văn Siêu, Văn Minh Việt Nam, Saigon, nxb Nam Chi Tùng Thư, 1964, trg 315-316.
(2) Bình-nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt nam, Saigon, Bách Bộc xb, 1971, trg 334 và 626.
(3) Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Hà Nội, nxb KHXH, 1979, trg 26.
(4) Hồ Vận Hoa và những người khác, Trung quốc bồn cảnh -Giai tác thưởng thức nghệ thuật, An Huy Trung quốc, nxb Khoa Học Kỹ Thuật, 1986.
(5) Nguyễn Vọng, Nghệ thuật non bộ, tạp chí Làng Văn, Toronto Canada, số 112 ngày 15-12-93, trg 34.
15:41 19/03/2014 Các trường phái Bonsai trên thế giới
10:34 09/04/2013 Chơi sanh- từ quan niệm đến ưa chuộng
10:46 22/03/2013 Các tác phẩm bonsai tại Triển lãm bonsai EBA in Lorca - P.1
10:30 26/02/2013 Cắt tỉa tạo dáng cho Bonsai
11:57 05/01/2013 “Thắng đổ” - Người đưa bonsai lên sân thượng
10:43 13/12/2012 Tạo dáng rễ rủ cho bonsai dáng dù
14:42 11/12/2012 Tạo và áp dụng Uro cho cây bonsai
14:19 10/12/2012 Tỷ lệ vàng của cây và những dáng cây cơ bản
15:20 08/11/2012 Uốn cành rơi
08:20 02/11/2012 Chậu cho Bonsai – không phải đắt là đẹp
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+