Nhìn vườn Bonsai trên sân thượng của Trần Thắng quận Tân Phú, TP.HCM với số tiền ước tính lên tới vài tỉ đồng ít ai ngờ rằng anh chỉ mới bước vào lĩnh vực Bonsai khoảng 5 năm trở lại đây.
Sinh ra trong một gia đình ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi. Từ nhỏ, Trần Thắng đã thích lên núi đào gốc cây về trồng làm kiểng. Nhưng phong trào chơi bonsai hồi đó chưa phát triển, còn mang tính tự phát, nên không có trường lớp hay Câu Lạc Bộ chuyên sâu về bộ môn nghệ thuật đầy tính sáng tạo này, vì thế sở thích của anh chưa có dịp thể hiện.
Vào TP.HCM từ năm 1994 với mong muốn làm kinh tế nuôi con, tuy cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng trong sâu thẳm trong con người này vẫn là niềm đam mê, “máu chơi cây” đến cháy bỏng. Trần Thắng thường lân la đến các nhà vườn tham quan học hỏi. Anh kiên trì tìm hiểu qua sách báo, bạn bè và những nghệ nhân trong giới bonsai để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Anh Trần Thắng đang làm gốc nguyên liệu mới mua về
Anh Thắng nhớ lại: “Cái khó nhất đối với tôi lúc đó chính là vốn. Mình thích rồi, nhưng không sao đủ tiền mua được. Hơn nữa, mới đầu chỉ là cảm thụ theo cảm tính, chứ chưa được học qua trường lớp chuyên nào cả”.
Chính ý thích đó cứ nuôi dưỡng và lớn dần trong anh. Đến một ngày, anh quyết định cùng anh em yêu thích nghệ thuật bonsai quận Tân Phú tham gia khóa học căn bản về nghệ thuật bonsai ở CLB Bonsai Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, TP.HCM để hiểu thêm về thú chơi đầy sáng tạo này. Và cũng từ đó, anh và nhóm bonsai Tân Phú trở thành những thành viên chủ chốt trong Câu lạc bộ này.
Nói về những khó khăn của những ngày đầu chơi bonsai, anh chia sẻ: “Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm về mua gốc nguyên liệu, nên tôi thường theo anh em khóa trước học hỏi và cũng phải mất một thời gian khá dài tôi với có kinh nghiệm trong việc tìm chọn những gốc nguyên liệu”.
Những người theo thú chơi bonsai ngoài sự ham mê yêu thích, còn đòi hỏi sự kiên trì và tính sáng tạo. Có những lúc, tưởng chừng như anh phải bỏ cuộc, không thể tiếp tục theo đuổi môn nghệ thuật này vì số tiền bỏ ra mua gốc nguyên liệu quá tốn kém, mà tỉ lệ sống lại không cao.
“Ban đầu chưa có kinh nghiệm về cây nguyên liệu, nhất là cây rừng nên mua về tỉ lệ cây sống là không cao, 3 phần chỉ được 1 phần. Tôi kiên trì tìm hiểu và cuối cùng đã phát hiện ra nguyên nhân cây chết: cây rừng họ bứng không đúng thời điểm, vào mùa đông, mùa cây ra hoa và ra lộc non là cây dễ chết. Bên cạnh đó, trong quá trình bứng, cây không được bảo quản tốt nên khi về tay người làm kiểng thì tỉ lệ sống rất thấp”, anh Thắng tâm sự.
Nhưng với lòng kiên trì và tinh thần ham học hỏi, cho đến nay Trần Thắng có hơn 300 tác phẩm với sự đa dạng về dáng thế, chủng loại. Dòng cây mà Trần Thắng ưa chuộng làm bonsai là dòng Linh Sam. Loại cây này có nguồn gốc và phân bổ chủ yếu ở Phú Yên, Phan Rang và Bình Thuận.
Một tác phẩm bonsai Linh Sam dáng đổ của Trần Thắng
heo anh, Linh Sam là loại cây có rất nhiều ưu điểm mà loại cây khác không hề có được: lá nhỏ, thân lũa rất đẹp, hoa thơm, có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Cũng chính nhờ những ưu điểm đó mà hiện nay, trên thị trường rất chuộng loại này. Những cây bonsai thân lũa từ rừng mang về khi thành phẩm thường có giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với các loại khác cùng kích cỡ, dáng thế.
Một điều đặc biệt ở Trần Thắng chính là sự say mê cây dáng đổ. Chính vì thế mà cái tên “Thắng đổ” do anh em trong CLB Bonsai trìu mến đặt cho anh. Trong bộ sưu tập của anh có trên nửa là dáng đổ vì theo anh trong các dáng thế, dáng đổ thể hiện mãnh liệt nhất sức sống, sức trường tồn của cây hay cũng chính là của con người.
Chơi bonsai trong thành phố đòi hỏi ngoài vốn phải có một quỹ đất nhất định, nếu không nói là phải rộng. Diện tích sân nhà chỉ có hạn, anh Thắng đã phải trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng anh nảy ra ý tưởng đưa bonsai lên sân thượng.
Khi được hỏi về những khó khăn trong việc trồng bonsai trên sân thượng, anh cho biết: “Hiện nay trồng cây trên sân thượng cũng được nhiều gia đình trong thành phố áp dụng. Tuy nhiên, để trồng được bonsai trên sân thượng thì việc chăm sóc cho cây phải tỉ mỉ hơn rất nhiều, phải tính toán được lượng nước bốc hơi của chậu, điều kiện chăm sóc cũng khó khăn hơn. Nếu lơ là cây sẽ chết chỉ trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc trồng bonsai trên sân thượng cũng làm cho cây lão hóa nhanh do thời tiết khắc nghiệt hơn ở dưới đất… Nhưng trồng bonsai trên sân thượng cũng có thuận lợi đó là rất an toàn, không sợ trộm cắp”.
Vườn bonsai trên sân thượng của anh cũng là một địa chỉ quen thuộc của những anh em trong CLB bonsai Tân Phú và những người yêu thích bonsai lui tới để tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.Anh cũng mạnh dạn đem những tác phẩm của mình tham gia triển lãm ở nhiều nơi và đã “rinh” về khá nhiều giải thưởng từ những cuộc triển lãm này. Nhìn bộ sưu tập giải thưởng của anh, mới thấy hết được lòng say mê và sự tìm tòi khổ luyện của “nhà nông cấp tiến” này.
Các hội viên ở Hội SVC Tiền Giang đang tham quan mô hình trồng bonsai trên sân thượng của Trần Thắng
Anh cũng mạnh dạn đem những tác phẩm của mình tham gia triển lãm ở nhiều nơi và đã “rinh” về khá nhiều giải thưởng từ những cuộc triển lãm này. Nhìn bộ sưu tập giải thưởng của anh, mới thấy hết được lòng say mê và sự tìm tòi khổ luyện của “nhà nông cấp tiến” này.
Văn Tiệp
15:41 19/03/2014 Các trường phái Bonsai trên thế giới
10:34 09/04/2013 Chơi sanh- từ quan niệm đến ưa chuộng
10:46 22/03/2013 Các tác phẩm bonsai tại Triển lãm bonsai EBA in Lorca - P.1
10:30 26/02/2013 Cắt tỉa tạo dáng cho Bonsai
10:43 13/12/2012 Tạo dáng rễ rủ cho bonsai dáng dù
14:42 11/12/2012 Tạo và áp dụng Uro cho cây bonsai
14:19 10/12/2012 Tỷ lệ vàng của cây và những dáng cây cơ bản
15:20 08/11/2012 Uốn cành rơi
08:20 02/11/2012 Chậu cho Bonsai – không phải đắt là đẹp
08:11 02/11/2012 Giá trị thẩm mỹ của bonsai
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+