Ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ xuất hiện trên rễ, cổ rễ hoặc phần gốc sát với mặt đất, sau đó phát triển lan rộng dần ra xung quanh. Nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi như trời mưa nhiều hoặc do tưới nhiều lại gặp cây tốt xum xuê, rậm rạp, bít bùng tạo cho ẩm độ trong tán cây cao, ẩm ướt… thì chỗ vết bệnh (cổ rễ, rễ già, gốc thân…) sẽ bị hư thối mục, chuyển dần sang mầu thâm đen, úng nước hoặc hơi khô (nếu đất trồng bị khô thiếu nước). Làm cho cây cúc ngã ngang, khi nhổ cây lên sẽ bị đứt gốc, chỗ đứt bị thối nham nhở. Bộ lá vẫn còn xanh nhưng toàn thân đã bị héo rũ. Trên ruộng cúc sẽ thấy cây bị chết từng chòm, từng vạt, làm trống, khuyết cây trên ruộng. Ruộng cúc chỗ các bạn bị bệnh có lẽ do các bạn đã tưới quá nhiều, trong khi cây cúc đã giao tán, tán lá bít bùng, không thông thoáng, tạo ẩm ướt trong ruộng cúc.
Đúng như các bạn đã quan sát thấy, nếu ruộng bị ẩm ướt có thể thấy chỗ bị bệnh phủ một lớp nấm mầu trắng, sau chuyển dần sang mầu xám. Ngoài cây cúc nấm bệnh còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác như lúa, mía, bắp, đay và một số cây thuộc họ đậu...
Nấm gây bệnh tồn tại lâu dài trong đất trồng, có thể sống hoại sinh trên tàn dư cây trồng trong nhiều năm không chết.
Bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện ẩm ướt (như đã nói ở trên), nhiệt độ không khí khoảng 22-28 độ C, đất thịt nặng, đất chặt, bí dễ đóng váng sau khi mưa, sau khi tưới, đất trũng đọng nước, đất chuyên canh các loại hoa cúc hoặc một số khác cùng ký chủ của bệnh như đã nêu ở phần trên.
Muốn phòng trị bệnh các bạn phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp ngay từ đầu vụ. Cụ thể là;
-Trước khi trồng phải thu gom sạch sẽ tàn dư của cây cúc (hoặc những cây trồng cùng là ký chủ của nấm bệnh như đã nói ở phần trên) ở vụ trước
đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh ban đầu cho ruộng cúc.
-Ruộng trồng cúc phải có hệ thống thoát nước tốt, không để ruộng bị đọng nước, ẩm ướt, đặc biệt là trên những chân ruộng trũng.
-Không nên trồng quá dày hoặc đặt các chậu cúc (nếu trồng trong giỏ tre, trong chậu) quá gần nhau, để ruộng cúc luôn thông thoáng, không bị ẩm
thấp khi có mưa hoặc tưới nước quá nhiều.
-Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục để bổ sung nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho cây và cải tạo kết cấu của đất, đồng thời bổ sung vi sinh vật
có ích cho đất. Tăng cường phân lân và kali.
- Đất trồng phải tơi xốp, cày xới ruộng kỹ, bón thêm vôi bột để giúp tiêu hủy nhanh tàn dư cây bệnh có sẵn trong đất từ vụ trước, phơi ải đất nếu
điều kiện cho phép.
- Sau khi mưa nếu đất bị đóng váng nên tranh thủ xới xáo phá váng ngay. Trong quá trình xới xáo tránh làm bị thương gốc, rễ, tạo điều kiện cho
nấm bệnh xâm nhập vào cây.
-
Để phòng, trị bệnh có thể phun xịt bằng một trong các loại thuốc như: Vixazol 275SC; Bavistin 50FL; Viroval 50BTN; Vicarben 50BTN/50HP; Carban 50SC; Derosal 50SC/60WP; Benlate 50WP; Fundazole 50WP; Moceren 25WP/ 250SC... Về cách sử dụng các bạn nhớ đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc.
-Hiện tại ruộng cúc của các bạn đang bị bệnh. Để hạn chế bệnh tiến triển thêm các bạn nên tiến hành như sau:
-Nhổ bỏ toàn bộ những cây đã bị bệnh đưa ra khỏi ruộng để tiêu hủy, đồng thời rải vôi bột xuống chỗ gốc vừa nhổ để hạn chế bệnh lây lan sang cac cây xung quanh.
-Giảm bớt lượng nước tưới hàng ngày. Tránh tưới nước nhiều vào các buổi chiều tối, tạo ẩm ướt nhiều về ban đêm, dễ làm cho bệnh phát triển mạnh.
-Tỉa bỏ bớt những lá già phía dưới gốc. Nếu đã trót trồng quá dầy nên bứng tỉa bớt đem trồng vào giỏ tre, vào chậu để ruộng cúc thông thoáng. Nếu trồng trong chậu hoặc giỏ tre nên sắp xếp lại cho khoảng cách các chậu giãn ra, tạo thông thoáng.
-Dùng một trong những loại thuốc vừa nêu ở trên xịt định kỳ khoảng 7-10 ngày một lần. Nhớ đưa vòi xịt xuống sát gốc để thuốc tiếp xúc được nhiều với bộ phận thường bị nấm gây hại.