Trong số những loài cây, hoa có giá trị về mặt sinh vật cảnh, góp phần tôn tạo mỹ quan cho đường phố công viên được đề cập ở đây: “Cây Phượng tím”, “cây Chuông vàng” và “cây Vông Gà” mà kỹ sư Lương Văn Sáu, đã mang chúng từ nước ngoài về trồng tại Việt Nam từ những năm 1960 cần được phát triển trồng rộng rải.
Phượng tím
Tên khoa học là Jacararanda mimosifolia (Jacaranda acutifolia), thuộc họ chùm ớt (Bignoniaceae). Một loài cây gỗ lớn (cao 10–15 m), tán lá rộng (7–10 m), nhưng cành lá lại thưa, lá phức (bao gồm hai lần lá kép) nên khi không có hoa cây trông tương tự phượng vĩ nhưng vào mùa nở hoa thì trổ rất nhiều hoa. Hoa hình ống dài 4–5 cm, từng chum màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm mại, dễ bị dập nát, không hề giống hoa phượng. Mùa hoa nở kéo dài khá lâu ( 4–6 tháng).
Phượng tím có nguồn gốc từ Brasil (Nam Mỹ), du nhập vào Nêpal, Ấn Độ từ lâu; thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây này đã được du nhập vào Đà Lạt từ những năm đầu thập kỷ 60, thế kỷ 20. Cây được trồng làm cây cảnh ven đường và trong các công viên, dù tác dụng cho bóng mát kém bởi tán lá thưa.
Cây phải trồng bằng hạt, việc nhân rộng khá chậm chạp vì không thể giâm cành. Cây trồng từ hạt ra hoa sau 2–3 năm, khi cây còn khá thấp. Các tài liệu về thực vật học phân loại phượng tím là loài cây cho hoa độc đáo, quyến rũ và rất quý. Hoa phượng tím thường nở vào cuối Đông đến suốt mùa Xuân.
Được biết thành phố Đà Lạt ngày ấy, chỉ có 4 cây phượng tím, gồm 2 cây ở công viên hoa thành phố, một cây ở bờ Hồ Xuân Hương và một cây ở đường Nguyễn Thị Minh Khai dẫn vào chợ Đà Lạt, nhưng từ khi biết đây là loại cây quý, nhiều nghệ nhân đã tìm cách nhân giống, ươm trồng phượng tím làm phong phú thêm thế giới hoa ở Đà Lạt. Thời gian qua, người dân và du khách háo hức đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Đà Lạt ngắm cây phượng tím già nhất thành phố sương mù nở hoa đầu xuân. Cho đến nay thành phố Đà Lạt đã có hàng trăm cây phượng tím được trồng trên nhiều tuyến đường như: Bùi Thị Xuân, Phù Đổng Thiên Vương, Lê Hồng Phong, Đinh Tiên Hoàng.Hiên nay tại Nha Trang cũng có cây phương tím trên vỉa hè trước nhà số 20 Tô Hiến Thành. Cây phượng xanh tươi đã trổ đầy hoa tím cách đây không lâu. Tám năm trước được mua về trồng hàng loạt phượng tím tại Nha Trang (khoảng 100 cây) trên đường Lê Hồng Phong và mấy chục cây trên đường Tô Hiến Thành.…
Cây Chuông Vàng là cây hoa rất đẹp, từng đi vào thi thơ; nhà thơ Phạm Ngọc Giao đã viết:..
Con đường Trương Minh Giảng,
Có còn hoa chuông vàng ?
Vương tóc ta mỗi sáng,
Giọt sương mềm chưa tan…
Riêng tôi có dịp trông thấy cây hoa chuông vàng nở rộ. Rất ơi là đẹp trước cổng nhà gần khách sạn Mạch Lâm ( khu Bình Phú- quận 6).CâyChuông vàng thuộc họ Hoa chuông (còn được gọi là họ Quao) – Bignoniaceae, có tên khoa học là Tabebuia argentea, tên khác là Tabebuia aurea hoặc Tabebuia caraiba, tên tiếng Anh là Caribbean Trumpet Tree, Silver Trumpet Tree, Yellow Tabebuia. Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, phổ biến ở các nước Suriname, Brazil, Bolivia, Peru, Paraguay và miền Bắc Argentina.
Cây thuộc dạng gỗ nhỏ, chiều cao trung bình 5-7m nhưng có thể đạt chiều cao lý tưởng trên 15m khi ở trong điều kiện sống tối ưu. Để cây phát triển tốt hết vẻ đẹp của mình, đất trồng cần có độ màu mỡ cao, tơi xốp, đủ ẩm nhưng không được úng nước. Cây có hệ rễ triển mạnh, có thể lan tỏa đến 10m, tận dụng chất dinh dưỡng trong đất rất mạnh, có thể cạnh tranh mãnh liệt không gian dinh dưỡng với nhiều cây khác. Chú ý, khi trồng cây hoa chuông vàng trên một không gian đa chủng loại, thì nên chăm bón đầy đủ thì cây mới sinh trưởng phát triển tốt.
Ngoài khả năng cho hoa sặc sỡ. Cây còn có thân và lá đẹp. Thân cây hình trụ suông, có vỏ màu trắng bạc; mang nhũng vòm lá màu xanh bạc bất xứng, với kiểu lá kép chân vịt 5-7 lá chét; hoa to, tràng hình chuông 5 thùy, đường kính tràng hoa đạt 5-6cm. Do có ngoại hình đẹp, hiện nay trên thế giới, cây được trồng khá phổ biến ở nhiều vùng nhiệt đới và á nhiệt đới với mục đích tôn tạo cảnh quan. Ngoài việc trồng làm cảnh ở các công viên, vỉa hè, điểm xanh, các không gian công cộng khác; cây còn được trồng trong chậu làm cây tiểu cảnh để chưng bày rất là đẹp. Cây được nhân giống bằng hạt. Cũng có thể nhân giống bằng cách giâm cành. Cây non yếu cần được che chắn, tránh ánh nắng trực xạ gay gắt vào mùa khô nóng và tránh gió rét vào mùa đông. Điểm hạn chế cần lưu ý là cây có thân cành dòn, dễ gãy, chống chịu gió bão kém, lúc trồng, cần chọn ở những nơi kín gió. Cây ra hoa vào đầu mùa khô. Ở miền Nam Việt Nam, cây thường ra hoa vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5. Tất nhiên thời kỳ ra hoa này có thể thay đổi theo tuổi cây và theo điều kiện tiểu khí hậu ở mỗi nơi.
Cây Vông kê (vông mào gà),
Thuộc họ Đậu – Fabaceae một loại cây độc đáo và duy nhất ở Lâm Đồng. Đó là loại cây hoa đẹp, hiện được nhân ra nhiều. Đây là một loài cây nhiệt đới, cùng chi Erythrina với cây Vông nem, có hoa dạng như mào gà nên đã có tên khoa học là Erythrina crista-galli (crista-galli: mào gà). Vông mào gà có nguồn gốc ở các nước Nam Mỹ như Argentina, Uruguay, Brazil và Paragauy với tên thông dụng là ceibo hay bucare. Một loài cây gỗ nhỏ, khi trưởng thành trong điều kiện thích hợp có chiều cao trung bình 5 - 8 m, có lá kép 3 lá chét thon, xanh bóng, cho hoa hình cánh bướm khá lớn, màu đỏ sặc sỡ. Cây có những chùm hoa đỏ thắm ở đầu cành vươn lên tua tủa trông như những cánh bướm vờn bay rất đẹp. Cây có hệ rễ mang rất nhiều nốt sần tập hợp nhiều vi khuẩn cộng sinh Rhizobium leguminosarum có khả năng cố định đạm tự do, vì vậy ngoài tác dụng tôn tạo cảnh quan, cây Vông mào gà còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt, thích hợp với việc trồng che bóng và làm vành đai phòng hộ cho các cây công nghiệp. Thân cây Vông mào gà không có gai, nên rất thích hợp với việc trồng làm cảnh ở các công viên, trên vỉa hè đường phố,được trồng rộng rãi làm cây đường phố và công viên ở nhiều quốc gia khác ở châu Mỹ, đáng kể nhất là ở California( ở đây nó được xem là cây đô thị chính thức với tên gọi là coral tree). Nó cũng được nhiều nước nhiệt đới trên thế giới trồng làm cây cảnh quan với tên tiếng Anh phổ biến cockspur coral tree. Các nước Argentina và Uruguay xem hoa Vông mào gà như một loài hoa biểu tượng của quốc gia. Ở Việt Nam, cây Vông mào gà được nhập trồng khá lâu ở các tỉnh Tây nguyên và Nam bộ. Gần đây, nó được giới thiệu trồng khá rộng rãi ở các tỉnh miền Trung. Hiện ở Huế, cây Vông mào gà đã được trồng khá rộng rãi ở công viên, khuôn viên các chùa chiền và một số vườn nhà tư nhân, có cây đã có chiều cao 4 - 5 m. Tôi cũng được gặp những cây Vông mào gà được trồng trổ hoa rất đẹp trong công viên Bình Phú (quận 6). Người ta có thể nhân giống cây bằng hạt hoặc bằng cành. Tuy nhiên, khi giâm cành cần chú ý chọn cành cấp 1 để cây trồng dễ vươn cao. Nhiều trường hợp người trồng nhân giống bằng cành cấp 3, cấp 4... nên khi trồng, cây đâm nhánh lòa xòa dạng như cây bụi, choáng không gian, không đẹp. Nếu đưa trồng trên vỉa hè đường phố hay ở dải phân cách lòng đường thì đặc điểm này càng được chú trọng, để kết hợp với tỉa tán nhằm tạo ra những cây bóng mát cho hoa đẹp mà không ảnh hưởng tầm nhìn./.
Đặng văn Thành
09:51 03/01/2014 Những loài hoa màu tím kiêu sa
11:26 12/04/2013 Mùa hoa chuông tím ở xứ sương mù
11:53 02/04/2013 Vẻ đẹp dung dị của mận Tam Hoa
14:31 26/03/2013 Hoa Loa kèn đỏ (Amaryllis) tượng trưng cho lòng kiêu hãnh
14:32 26/03/2013 Hoa Thạch thảo (Aster) – tượng trưng cho tình yêu và vẻ...
15:02 14/03/2013 Hoa tử la lan cho tình cảm nồng nàn
10:02 11/03/2013 Hoa Cỏ chân ngỗng – tình yêu lụi tàn
14:42 07/03/2013 Vườn hồng Portland rực rỡ trong nắng hè
14:01 06/03/2013 Hoa Mua thanh khiết giữa núi rừng
09:26 06/03/2013 Mang đến màu xanh cho không gian nhà mùa hè (phần 2)
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+