Ngày nay cây Bát Tiên đã được nhiều người biết đến, do cây dễ trồng, siêng hoa, hoa to màu sắc đẹp và nhất là lâu tàn. Trồng bát tiên đảm bảo ngày nào cũng có hoa trưng bày trang trí làm đẹp ngôi nhà, sân vườn, phòng khách….
Muốn nhân giống cây Bát Tiên trước hết phải đi lựa mua một số cây giống tốt, mập mạp có hoa to vừa ý, các phương pháp lai tạo chủ yếu
1. Giâm cành :
Cây bát tiên thường mọc nhiều nhánh chung quanh thân, trừ cây nào siêng hoa quá, mỗi nách lá đều có một vòm hoa rồi thì không còn chổ để nảy ra chồi non, những cây này rất ít con, muốn cho ra hoa thì dễ hơn ra chồi cho nên muốn cho cây nhảy con thì phải đem vào chổ râm mát, cây thiếu nắng sẽ ít ra hoa và nách lá nào không ra hoa thì nách lá đó sẽ nảy ra cây con, hoặc ra cây con ở các nách lá sát gốc. Muốn giâm cành thì chỉ cần lấy dao bén cắt ở sát thân cây chổ nhỏ nhất vì đây là chổ già nhất nên dễ ra rễ. Cắt nhánh con xong có 3 cách trồng:
- Cách thứ nhất : chỉ cần phơi hoặc chùi cho khô nhựa rồi giâm ngay xuống đất ẩm hoặc tro trấu ẩm, cắm một cây nọc nhỏ cột giữ chặt lại đừng cho lay đọng rồi đem vào chổ râm mát không tứơi nước vài ngày, bao giờ thấy đất khô quá thì mới phun sương để giữ ẩm. Khoảng một tuần lễ sau nhánh giâm ra đọt non là cây đã ra rễ, tiếp tục tưới ít nước để giữ ẩm, không nên tưới nhiều quá và từ từ đem ra ngoài nắng cho cây quang hợp
- Cách thứ hai : cắt nhánh xong, chấm vết cắt vào thuốc kích thích ra rễ như Rootone hoặc dung dịch Atomic 20/00 rồi giâm trồng ngay xuống đất ẩm như cách thứ nhất. Cách này có tỷ lệ sống rất cao.
- Cách thứ ba : cắt nhánh xong để cho khô nhựa rồi đem cắm vào một cái ly hay một cái chai đổ nước ngập khoảng 2 cm là được, để vào chổ râm mát. Mỗi ngày nếu thấy nước rút cạn bớt thì phải châm bổ sung cho đủ 2 cm mà thôi. Khoảng một tuần lễ hoặc 10 ngày sau thấy chổ vết cắt ra rễ dài khoảng 1-2 cm là đem trồng trực tiếp vào chậu con được. Nếu muốn ra rễ nhanh hơn thì nhỏ vào ly nước một chút Atonik là loại kích thích ra rễ.
2. Chiết cây :
a) Chiết ngang thân cây :
Cách này học theo sách Thái Lan , vì thân cây to quá không thể cắt một khoanh vỏ ngang thân được cắt như vậy cây dễ bị bệnh hoặc thối nhũn chết. Nên phải vạt 2 nhát thành hình miệng bát ở một bên thân cây, nơi nào muốn chiết thì để cho khô nhựa hoặc lấy bông gòn sạch lau cho khô rồi bôi thuốc kích thích ra rễ hay rót vào mép trên là đủ, mép dưới phải để cho thật khô ráo, lấy rễ lục bình hoặc cám xơ dừa rồi nhét vào chổ hình miệng bát, lấy bao nylon trong quấn lại và cột chặc 2 đầu không cho nước thấm vào vì bao nylon giữ đủ ẩm để cho chổ chiết ra rễ . Xong lấy một cây nọc tre dài cắm vào chậu cột chặc cho cây không ngã. Cứ để như vậy khoảng một tháng sau khi nhìn qua bao nylon thấy rễ ra mạnh là cắt trồng.
Phần gốc còn lại phải lấy nylon bọc lại hoặc lấy một miếng miểng sành đậy lại không cho nước thấm vào, sẽ tiếp tục sống bình thường và sẽ nảy ra nhiều nhánh mới ở chổ mắt lá nào không có vòi hoa.
b) Nhánh sát đất :
Nhánh mọc ở át dưới gốc của thân cây trên mặt đất nên lấy tro trấu hoặc đất đắp cao lên cho ngập chỗ gốc nơi nhỏ nhất ở sát thân cây, chỗ này là chỗ già nhất sẽ nhanh chóng ra rễ hơn, khi thấy ra cỡ 1-2 rễ là có thể cắt ra trồng được, tỷ lệ sống đảm bảo 100% và cũng không rụng lá nào nên nhánh sống rất mạnh.
3. Tháp ghép:
Cây Bát Tiên rất dễ tháp ghép. Muốn ghép cho cây sống mạnh phải chuẩn bị gốc ghép. Nhất là những cây đã nhập về từ đợt trước, gọi là cây đời cũ, hoa nhỏ, không đẹp nên làm gốc ghép rất tiện. Cắt ngang thân chính giữa chừa phần gốc còn lại khoảng 5-6 cm để làm gốc ghép, nếu cắt cao qua khi ghép lên sẽ cao lêu nghêu rất xấu, còn cắt thấp quá thì khó thao tác, phần ngọn vừa cắt có thể giâm trồng trở lại chờ cây sống mạnh, sẽ tiếp tục làm gốc ghép nữa. Cách ghép cũng vạt chữ V, tương tự như cách ghép cây sứ Thái.
a) Gốc ghép: tốt nhất là lấy những nhánh đã giâm trồng lại, không quá già cũng không quá non, khi ghép tỷ lệ sống rất cao, vì gốc ghép quá già hoặc quá non ghép không dính mạnh bằng gốc ghép hơi non, còn nhiều nhựa và cây ghép trồng cũng sống mạnh, phát triển rất nhanh, xem như là cây mới. Bên gốc ghép chỉ cần lấy dao bén, hay lưỡi lam, vạt hai nhát thành chữ V hơi nhọn một chút.
b) Nhánh giống ghép: chọn loại cây đời mới có hoa to, đẹp, cũng cắt ngang thân, lấy phần ngọn dài cỡ 5-6 cm, cũng vạt nêm bằng y như chữ V bên gốc ghép. Hay dở là vạt làm sao cho 2 chữ V của gốc ghép và nhánh ghép thật bằng nhau. Đặt nhanh chữ V bên nhánh ghép lên chữ V bên gốc ghép, đừng để lâu quá làm khô nhựa, chổ ghép dễ chết rồi lấy dây nylon quấn buộc chặt lại.
c) Cách buộc dây : cây Bát Tiên vì có rất nhiều gai nên bụôc dây ràng khó hơn
Cách thứ nhất : cắt bỏ hết gai chổ ghép rồi cột lại bình thường bằng dây nylon nhỏ hoặc bằng băng cao su non y như cách cột dây sứ thái cũng được, cách này dễ thao tác hơn và tỷ lệ sống cũng cao.
Cách thứ hai: là để nguyên gai, cách này khó buộc hơn, phải lấy dây nylon thật nhỏ buộc câu móc vào gai của gốc ghép với gai của nhánh ghép cho mối ghép dính chặt lại rồi mới quấn ràng chung quanh chổ ghép sau. Cách này khó thao tác hơn nhưng tỷ lệ sống cũng rất cao. Ghép xong đem vào chổ râm mát thì không cần lấy bao nylon bao lại cũng được, còn nếu để ngoài nắng thì phải lấy bao nylon bao lại. Vì ngày sau, mở bỏ bao nylon ra nếu thấy chổ ghép còn tươi là cây ghép đã sống, nhưng nên tiếp tục để trong mát, rồi từ từ mới đem ra ngoài nắng cho cây quang hợp tốt cây sẽ dính chặt lại và sống mạnh. Trong khi ghép nhớ đừng tưới nước thấm vào chổ ghép , chổ ghép thấm nước sẽ thối chết, cho nên chỉ tưới sương sương ở dưới gốc thôi. Đến khi nào chổ ghép dính thật liền sẹo mới được tưới nước trở lại bình thường lên khắp cả cây.
4. Ghép mắt :
Ghép mắt là cách ghép hà tiện khi có ít cây giống, cách này thoa tác có hơi tỷ mỉ và khó hơn các cách ghép trước. Trên gốc ghép cũng vạt hình chữ V như các cách trước. Muốn tạo gốc ghép nhanh thì cắt một nhánh Bát Tiên khoẻ mạnh dài khoảng 20 cm giâm trồng khoảng 15 ngày cho sống mạnh rồi cắt phần ngọn bỏ hoặc đem trồng trở lại, phần gốc còn lại không quá già cũng không quá non dùng làm gốc ghép dễ dính hơn, cũng vạt chữ V bên gốc ghép y như các cách ghép trước.
Bên nhánh ghép, lựa phần thân cây giống nào có nhiều mắt lá đã rụng hết rồi mà không có dấu của vòi hoa nghĩa là còn có thể nhảy lên cây con được, nếu nhánh nào đã ra nhiều vòi hoa quá thì có rất ít mắt ghép.
Lấy mắt ghép ở ngay chổ nách lá nào còn có thể ra nhánh con được, cũng vạt 2 nhát hình chữ V bao lấy mắt ghép, mắt ghép bây giờ lại nằm ngang giữa chữ V nhưng phải vạt làm sao cho bằng y như chữ V ở gốc ghép. Đặt nhanh mắt ghép lên gốc ghép làm sao cho thật ăn khớp với nhau, chổ 2 mép chữ V dính liền lại với nhau cuống lá đã rụng bây giờ là mắt ghép sẽ nằm ngang trở lên trên. Lấy dây nylon nhỏ cột ràng chặt lại cho dính chặt các gai bên dưới. Cứ để như vậy không tưới nước làm ướt chổ ghép khi nào thấy đất khô thì phun sương để giữ ẩm, đợi khoảng 4-7 ngày nếu mắt ghép còn tươi là sống.
Với cách này một nhánh giống có thể ghép lên đựơc một cây nhất là nhánh ở sát gốc, lúc cây còn nhỏ chưa có hoa thì mỗi nách lá đều là một mắt ghép.
5. Ghép lên cây cùng họ :
Ở đây tôi chỉ nói đến những cây xương rồng thuộc họ Euphorbiaceae thường trồng làm cảnh trang trí ở chung quanh nhà hoặc ở các đình chùa, nhà thờ, công viên… lựa cây nào sống lâu, khoẻ mạnh làm gốc ghép, ghép lên trên ngọn, cây Bát Tiên sẽ sống bền và cũng siêng hoa, rất lạ rất đẹp.
Ghép lên gốc xương rồng ông 3 cạnh: cây có tên khoa học là Euphorbia Antiquorum linn, thuộc họ Euphorbiaceae (họ thầu dầu) là cây xương rồng 3 cạnh nhỏ có nhựa đục như sữa, như cây Bát Tiên, sống khoẻ mạnh, trồng thành bụi khá to, sống rất khoẻ, có thể ghép ngay lên trên đọt hoặc ghép lên trên nhánh cũng tốt. Muốn ghép lên nhánh phải vô chậu nhỏ, khi cây sống mạnh cắt bỏ phần ngọn để dùng làm gốc ghép rất tốt. Chỉ cần vạt chữ V, rồi vạt nêm nhánh Bát Tiên gắn vào, lấy dây nylon nhỏ buộc chặt lại làm sống ngay, sống rất mạnh và siêng hoa.
Ghép lên cây xương rồng Euphorbia Grandicornis Goebel (Euphorbiaceae): là cây thân hình trụ to, cao, thừờng được trồng làm hàng rào, cũng có thể ghép cây Bát Tiên lên được trang trí chơi, ra hoa quanh năm rất đẹp. Cũng vạt chư V lên gốc ghép rồi gắn nhánh Bát Tiên đã vạt nêm y như chữ V vào, lấy dây nylon nhỏ buộc chặt lại là sống mạnh.
Ghép lên cây xương rồng ông cảnh: có tên khoa học là Euphorbia Lactea Haw. Cây có thân hình trụ nhỏ nhưng cao cũng phân rất nhiều cành nhánh chung quanh cây mẹ. Cây rất dễ trồng, sống khoẻ nên ghép cây Bát Tiên lên sống rất mạnh và cũng rất siêng hoa. Cách ghép lên cây xương rồng nầy cũng y như cách ghép trước.
Ghép lên cây xương rồng giang Tâm 5 cạnh Euphorbia Ligulari Rox: cây thân hình trụ to cao, màu xanh bóng có 5 cạnh, chùm lá tập trung ở đỉnh, hình thuôn dài có nhựa đục như sữa, chỉ cần cắt ra một nhánh trồng vô chậu là sống ngay, cây rất dễ trồng, cũng vạt chữ V rồi ghép nhánh Bát Tiên vào, lấy một chiếc gai ghim chặt lại là nhánh ghép sống mạnh, phát triển tốt tươi và cũng ra hoa quanh năm. Nhà tôi cũng có trồng nhiều cây xương rồng lá Pereskia để làm hàng rào, gai rất nhọn, chỉ cần bẻ một chiếc gai, ghim ngay vào chỗ ghép dính lại dễ dàng, cây sống mạnh. Cách ghép lên cây xương rồng giang Tâm 5 khía thật là đơn giản.
Ghép lên cây xương rồng xoè Vạn Lý trường Thành: cây cũng thuộc họ Euphorbiaceae, có nhựa đục như sữa, cây sống mạnh thành một chùm rất đẹp ,cũng ra hoa quanh năm. Cây Vạn Lý Trường Thành là gốc ghép đẹp nhất, vì ghép lên được nhiều cây Bát Tiên khác nhau, ra hoa nhiều màu khác nhau cùng trên một gốc, rất lạ, trang trí nội thất đẹp .Cách ghép cũng vạt chữ V y như các cách ghép trước, nhưng cây xương rồng Vạn Lý Trường Thành có rất nhiều lá, phải cắt bỏ bớt lá trước, rồi lựa chỗ nào u cao lên vạt chữ V mới được.
Trên đây là những cách ghép cây Bát Tiên lên các cây xương rồng cùng họ, xem lạ mắt và sống bền, ra hoa quanh năm.
Ghép cây Bát Tiên đời mới lên cây Bát Tiên đời cũ: ở Tp. Hồ Chí Minh, có một số cây ra hoa hơi nhỏ không đẹp lắm, nên tạm gọi là cây Bát Tiên đời cũ, nên sử dụng làm gốc ghép, để ghép cây Bát Tiên đời mới lên rất thích hợp, vì cả hai giống đều y hệt như nhau, nên ghép rất dễ dàng và sống rất mạnh. Hơn nữa ngày nay mới nhập thêm về rất nhiều giống Bát Tiên có hoa rất to và màu sắc rất đẹp nên gọi là cây Bát Tiên đời mới. Cây Bát Tiên đời mới như cây Ngọc Thạch Quan Am có hoa chùm rất to, màu trắng tươi rất đẹp, nên giá cả còn rất đắt, cây cũng rất siêng hoa, nên có ít cây con mọc lên xung quanh thân, muốn nhân giống nhanh phải tháp ghép, bằng cách cắt ra từng đoạn ngắn, ghép lên cây Bát Tiên đời cũ, cây cũng sống mạnh và siêng hoa. Một cây Bát Tiên đời mới có thể ghép nhân giống ra được nhiều cây, tuy nhiều công nhưng đỡ tốn tiền mua gốc ghép. Cây Ngọc Thạch Quan Am phải lựa đoạn thân nào lúc còn nhỏ ở sát gốc không có vòi hoa thì mắc lá nào cũng có thể ghép mắt được cho ra nhiều giống mới tiết kiệm. Mua một cây có thể nhân ra hàng chục cây con khác.
Sưu tầm!
09:51 03/01/2014 Những loài hoa màu tím kiêu sa
11:26 12/04/2013 Mùa hoa chuông tím ở xứ sương mù
11:53 02/04/2013 Vẻ đẹp dung dị của mận Tam Hoa
14:31 26/03/2013 Hoa Loa kèn đỏ (Amaryllis) tượng trưng cho lòng kiêu hãnh
14:32 26/03/2013 Hoa Thạch thảo (Aster) – tượng trưng cho tình yêu và vẻ...
15:02 14/03/2013 Hoa tử la lan cho tình cảm nồng nàn
10:02 11/03/2013 Hoa Cỏ chân ngỗng – tình yêu lụi tàn
14:42 07/03/2013 Vườn hồng Portland rực rỡ trong nắng hè
14:01 06/03/2013 Hoa Mua thanh khiết giữa núi rừng
09:26 06/03/2013 Mang đến màu xanh cho không gian nhà mùa hè (phần 2)
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+