Chị Nguyễn Thị Chi ở thôn Bùi Xã, Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh, giới thiệu với khách khi đến tham quan vườn nhãn được trẻ hóa của gia đình chị. Ở Bùi Xá, vườn gia đình nào cũng có nhãn, nhiều gia đình có trang trại trồng vài chục đến vài trăm gốc, có những vườn cây tuổi 40 - 50 năm. Chủ yếu ở đây trồng giống nhãn lồng Hưng Yên, tuy nhiên việc chăm bón cho cây, do tập quán lâu nay không được chăm bón thường xuyên, vì vậy cây càng nhiều năm thì càng cằn cỗi, ít quả, quả nhỏ, giá thành không cao so với các giống nhãn mới, nhiều gia đình trong xã đã phá bỏ hàng loạt cây già cỗi. Gần đây được sự giúp đỡ của Trung tâm Giống cây trồng Sông Hồng, trực tiếp là kỹ sư Nguyễn Văn Vui, ký hợp đồng giúp dân cải tạo, trẻ hóa vườn nhãn, bằng phương pháp ghép non của các giống nhãn có chất lượng ngon lên chồi gốc, chồi cành, những cây nhãn già. Sau hai năm ghép, vườn nhãn nhà chị Chi quả trĩu cành, khác hẳn với nhãn lồng buông quả đơn trước đây, giống Hương Chi được ghép trên gốc nhãn lồng, cho quả theo dạng chùm cọc, quả to nặng cân, chất lượng hơn hẳn giống nhãn cũ. Vụ này gia đình chị Chi trúng vụ, có cây thu tới hai tạ quả.
KS Nguyễn Văn Vui, người thực hiện đề án trẻ hóa vườn nhãn cho biết: Sau 5 năm nghiên cứu và thực hiện ở nhiều địa phương thuộc các huyện Thuận Thành, Quế Võ , Gia Bình ( Bắc Ninh), Lai Cách, Cẩm Giàng ( Hải Dương) Mỹ Hào, Văn Lâm ( Hưng Yên) và tỉnh Hòa Bình, Hà Tây, anh đã ghép được gần 2.000 cây nhãn. Các cây ghép và cải tạo chăm sóc đều sinh trưởng tốt, năm 2007 nhiều hộ gia đình trẻ hóa vườn nhãn, đã có thu hoạch rất cao.
Hiện nay nhiều trang trại thuộc đồng bằng Sông Hồng sau khi đi tham quan những mô hình trẻ hóa vườn nhãn của kỹ sư Vui về đều có nhu cầu trẻ hóa vườn nhãn của gia đình mình.
Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long, Hội trưởng Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận xét, đây là một tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả giúp cho các nhà vườn cải tạo được vườn nhãn già cỗi có thu nhập thấp. Trên gốc nhãn già dùng làm gốc ghép với các chồi ghép của các giống cây đầu dòng có chất lượng quả ngon, năng suất cao,tạo nên sức trẻ của vườn cây, hạn chế được sâu bệnh, chủ động được thời vụ, nhất là rải vụ với các giống nhãn chín sớm và chín muộn giúp nhà vườn có thu nhập cao. Từ kết quả ban đầu với quy mô trẻ hóa tại thôn Bùi Xã, nếu các vườn nhãn già thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc được cải tạo theo hướng này, sẽ cho tăng sản lượng quả hàng năm với chất lượng quả ngon, đồng thời người làm vườn có thu nhập cao. Vấn đề quản lý nguòn giống ghép phải được chú trọng với các vườn cây đầu dòng được công nhận ở địa phương. Việc chuyển giao công nghệ ghép những mầm non (mắt ghép ) khác với việc dùng cành ghép trước đây; phải được đào tạo thành những chuyên gia giúp nông dân trong lĩnh vực này.
Theo chị Nguyễn Thị Khanh, một cây nhãn già khi chặt cành, cưa gốc, có thể sinh nhiều chồi lộc mới (trị giá trên 5000 đồng) như vậy mỗi cây nhãn kể cả tiền công ghép mắt cộng với lượng phân bón đầu tư, chi phí lên tới hàng trăm ngàn đồng, các nhà vườn không thể một lúc cải tạo 100% cây già cỗi trong vườn mà cải tạo cuốn gói theo sức đầu tư của mình. Hiện nay bà con nông dân thôn Bùi Xá đăng ký dịch vụ với KS Nguyễn Văn Vui, bảo hành các mắt ghép tới vụ thu hoạch. Hợp đồng này nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực hiện công đoạn ghép mắt nhãn, đảm bảo hiệu quả tỷ lệ mầm ghép có hiệu quả trên 98%. Giống nhãn Hương Chi có ưu điểm tỷ lệ đậu hoa cao, song cũng có nhược điểm hoa nở làm 3 đợt, kiến cho tỷ lệ quả chín không đều, theo kỹ sư Vui bằng chế phẩm sinh học, có thể điều tiết nở hoa , tạo ra 3 thời điểm thu hoạch với lứa hoa đầu nhãn sớm, lứa hoa thứ 2 nhãn trung và lứa hoa sau nhãn muộn, đây chính là bí quyết rải vụ của các nhà vườn. Hiện tượng nhãn thường mất mùa, cũng được khắc phục trong chế độ chăm bón, tăng sức sinh trưởng cho cây, để năm nào cây cũng sai quả.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam