Tóc thần là nhóm các loài dương xỉ họ Đuôi chồn (Adiantaceae) được biết như một loại cây làm cảnh bằng lá. Cây có dáng lá mềm mại đến uyển chuyển tạo bởi sắc đen bóng mà mảnh mai như tóc của những cọng lá với những chiếc lá nhỏ xíu xanh mướt hình quạt.
Chi Tóc thần phân bố rộng trên nhiều vùng khí hậu khác nhau trên thế giới. Ở Việt có khoảng 14 loài Tóc thần. Cây thường mọc ở vùng núi, bám vào các hốc đá, vách khe hay chân các đồi núi đất. Do có phân bố địa lý sinh thái như vậy mà Tóc thần có khả năng thích nghi với điều kiện sống khá rộng. Cây có thể chịu được nắng hoàn toàn đén chịu bóng tốt. Đặc điểm này giúp cho cây trở thành loại cây cảnh đa dụng. Cây có thể trang trí trên bàn làm việc, đặt trên các kệ, đôn cao trong phòng khách, treo đung đưa trước mái hiên nhà hay trồng thảm, trồng điểm ngoài sân vườn.
Một trong những loài Tóc thần đẹp được tìm thấy trên những vách núi đá vôi là loài Tóc thần Phi (A. Philipinense). Loài này có lá mầu vàng chanh rất đẹp, phiến lá dạng kép lông chim. Cuống lá mầu đen, nhẵn, mềm mại và kéo dài ra ở đỉnh. Các lá phụ nhỏ dần làm cho đầu lá mềm nhỏ, dài ra tạo thành tua. Đầu những tua này là nơi nảy ra những cây con mới. Cưa như thế lá mẹ đẻ lá con buông rủ dung như những cành “mẫu tử”.
Cùng có đặc điểm nảy chồi con ở đầu ngọn lá là loài Tóc thần đuôi (Adiantum caudatum). Thoạt nhìn trong tự nhiên, loài tóc thần đuôi có thể bị lầm với loài dương xỉ Móng trâu (Nephrolepsis cordifolia) do lá cây có cuống dài mầu nâu sẫm, nhẵn bóng, cứng và có lông mềm. Đặc điẻm khác biệt là phiến lá Tóc thần đuôi dài tới 30cm, phủ lông mềm. Lá kép lông chim với các lá phụ nhiều, xếp dày đặc, đều đặn. Tóc thần đuôi có phân bố rộng, từ đồng bằng đến miền núi cao đều có thẻ bắt gặp loài này. Cả hai loài Tóc thần này có độ buông rủ mạnh. Do vậy cây đặc biệt thích hợp khi trồng trong chậu có quang treo hoặc gắn vào các hòn non bộ. Cây cũng rất nổi nếu trồng trong chậu cao kê đôn cho lá rủ xuống
Ở Hòa Bình (khu vực Mai Châu) còn có loài Tóc thần với phiến lá dài, tương đối rộng, đẹp không kém so với những loài Tóc thần nhập nội. Cây cao 0,4-0,6m. Lá mọc sát nhau thành bụi. Cuống lá nâu nhẵn, có vẩy ở gốc. Mầu lá tương tự như Tóc thần Phi nhưng đậm hơn. Cây có dáng khỏe khoắn mà duyên dáng và sức sống cũng mạnh hơn so với các loài Tóc thần khác. Cây thích hợp khi trồng trong chậu, dưới tiền sảnh, hàng hiên hay ngoài vườn .
Cuối cùng phải kể đến là loài Tóc thần của vùng núi thấp phía Bắc (khu vực Đền Hùng – Phú Thọ, hay ven các vách núi Tam Đảo,…) với lá kép chân vịt, mang 4-5 lá chét. Mặt phẳng mà các lá chét tạo nên gần như vuông góc với cuống lá. Cây có dáng thanh thoát, mềm mại,không cao mà tỏa rộng, rất phù hợp khi trang trí trên bàn làm việc, phòng khách.
Tóc thần là loài cây tương đối khỏe. Cây có thể thích nghi với nhiều điều kiện đất trồng khác nhau. Tuy nhiên cây phát triển tốt khi trồng với hỗn hợp trồng xốp nhẹ, thoát nước và có nhiều mùn hữu cơ. Cây ưa ẩm, mát dù chịu được nắng và khô hạn. Tuy nhiên tránh để cây chịu đựng những đợt khô hạn kéo dài làm các lá non không vươn lên được, mầu sắc lá trưởng thành cũng kém hơn khi bị khô.
Cũng như các loài dương xỉ khác, Tóc thần có thể nhân giống theo nhiều cách. Tách bụi, giâm các chồi non ở ngọn lá sẽ nhanh chóng cho các cây lớn đẹp. Gieo bào tử của các lá già cho một số lượng cây con rất lơn nhưng cần có thời gian chăm sóc để tạo được cây làm cảnh. Trong quá trình nhân giống cũng như nuôi trồng cần tránh làm mất nước cho cây do lá Tóc thần rất mỏng và nhạy cảm. Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như bón phân lên lá đối với Tóc thần cũng cần thận trọng, nên thử phản ứng của một vài cây trước khi phun cho nhiều cây.
Cao Tùng Lâm - TungLam Garden