Trong chuyến đi cùng một số bạn văn Hà Nội lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì hôm 14/4 vừa rồi, tôi được thấy một loại cây hoa Thu hải đường khác biệt so với một vài loại thu hải đường hiện có tại các vùng trồng hoa cây cảnh Hà Nội và lân cận.
Một vài tra cứu cho ta biết: Thu hải đường (danh pháp khoa học: Begonia) là một chi trong họ thực vật có hoa, gồm tới 1.400 loài khác nhau, phân bố ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt của Nam và Trung Mỹ, châu Phi và Nam châu Á. Đó là các loại cây thân thảo (thân rễ hoặc thân củ) sống cạn, ưa bóng râm. Chúng thuộc loại thực vật có các hoa đực và hoa cái mọc tách rời nhau trên cùng một cây; hoa của chúng thường to và sặc sỡ, có màu từ trắng, hồng, đỏ tươi hay vàng. Thu hải đường sớm được con người trồng làm hoa kiểng và được lai ghép như nhiều giống thực vật gieo trồng khác. Ở Mỹ có Hiệp hội thu hải đường (American Begonia Society, viết tắt ABS, có trang trên mạng begonias.org).
1. Ở Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, vào dịp cuối mùa Đông đầu mùa Xuân, tại các chợ hoa cây cảnh, ta bắt gặp rất nhiều loại Thu hải đường, hầu hết là ngoại nhập. Nhưng chỉ có một vài loài được trồng tương đối phổ biến trong vườn hoặc trong chậu cảnh. Theo tôi thì chỉ thật sự phổ biến hai loài Thu hải đường: một là giống Thu hải đường đã có từ khá lâu (có thể cũng do nhập khẩu ?), lá màu tía (tím) đậm, hoa đỏ từng chùm lớn; cây phát triển rất tốt vào cuối thu đến đầu hạ, và thường còi cọc vào mùa nắng nóng, từ giữa hạ đến đầu thu.
Hình ảnh Thu hải đường vừa thấy trong vườn quốc gia Ba Vì
Một loài khác, hầu như chỉ mới xuất hiện (hẳn cũng do nhập khẩu) ở các vùng trồng cây cảnh ven Hà Nội từ dăm bảy năm nay, và hiện tại các chậu cây hoa này thường được ưa dùng để bày tại các quán cà-phê, tiệm giải khát. Khi được hỏi “đây là cây gì?” những người bán dạo cây cảnh thường trả lời là “cây trúc Pháp”, nhưng cái tên ấy cũng phi phỏng như cái tên “cây trúc Nhật” cho một loại cây bụi lá xanh mà nay đã gần như được thừa nhận trong giới người tiêu dùng Việt Nam. Nhìn bề ngoài thì giống Thu hải đường này tương đối khác biệt so với giống Thu hải đường rất phổ biến kể trên; lá xanh hơn, tính phi đối xứng của lá cũng “cực đoan” hơn, và nét đậm nhất là các chùm hoa: chúng phong phú đến dư thừa tuy thường xuyên rơi rụng.
(Một chút trải nghiệm riêng: tôi nhìn thấy giống cây này lần đầu tiên tại nhà một người bạn hôm anh mời các bạn học cũ Hà Nam đến họp mặt ăn một bữa cháo vịt. Phòng khách nhỏ tầng một nhà anh cạnh một ngôi trường ngoài bãi Phúc Xá hôm ấy sáng bừng lên bởi chậu cây với những cành hoa chùm hoa đỏ trĩu nặng bên những chiếc lá xanh mát luôn “vẹo trái” hoặc “vẹo phải” nom rất đáng yêu. Sau hôm ấy, tôi bắt đầu lùng sục loại cây này tại chợ cây cảnh đầu đường Hoàng Hoa Thám; mãi sau rồi cũng thấy, nhưng đã phải chùn lại khi nghe một chủ quầy sau chợ Bưởi hét giá nửa triệu cho mỗi chậu cây này lúc nó đang gồng mình chống chọi cái rét chỉ với mấy cái thân thẳng vươn lên trời và một ít cành lá xanh nhỏ dưới gốc. Đầu Hè năm sau, tôi bấm bụng mua một chậu cây nhỏ về đặt nơi lồng sắt ngoài ban-công. Dần dà tôi thử ươm những cành gãy và được kết quả bất ngờ: các cành ngọn đâm rễ, mọc thành bụi cây mới; từ một chậu cây ban đầu tôi đã san thành 4 - 5 chậu. Thử mở trang chủ begonias.org, tôi thấy ngay ảnh chụp loại thu hải đường này. Có vẻ như loại cây hoa này có xuất xứ từ Mỹ, sao đám dân trồng hoa đất Bắc mình lại gán nó cho Pháp qua cái tên “trúc Pháp”?).
2. Bây giờ xin nói về loại Thu hải đường tôi vừa thấy trong vườn quốc gia Ba Vì. Xe chúng tôi từ nhà nghỉ ở độ cao 400m đi lên rồi dừng lại ở nơi được gọi là “vườn lan” (không biết ở độ cao bao nhiêu), mọi người xuống đi bộ theo con đường bằng phẳng vòng quanh khu vực có di tích ngôi nhà thờ đạo Thiên chúa đã đổ nát và một vài bức tường nhà khác còn sót lại. Tôi để ý bên những rạch thoát nước ven đường có khá nhiều những đám hoa trắng nhị vàng. Quan sát kỹ hơn, bỗng thấy thứ cây bụi này chính là loài begonia: những thân thảo, thân rau mọc thành bụi, những phiến lá phi đối xứng. Chỉ khác ở chỗ các bông hoa không mọc thành chùm mà là hoa đơn, mỗi bông nảy ra từ một nách lá, mỗi bông 4 cánh trắng muốt, giữa là nhị hoa vàng to đậm.
Tôi và các bạn văn đi cùng gắng chụp lấy ít ảnh về loài hoa tạm coi là hoa rừng này, nhưng hôm ấy trên núi sương mù khá dày, cây mọc ở tầng thấp nên ánh càng sáng yếu, rất khó được hình ảnh rõ nét như ý.
Đây rõ ràng là một giống Thu hải đường khác biệt so với các giống cùng loài này đang có tại các vùng trồng hoa cảnh ven Hà Nội. Liệu có thể nhân giống tại các nhà vườn ở đồng bằng, chỉ ở độ cao dưới 10 m (trên mực nước biển) hay không? Hôm ấy một số bạn văn đã mang về một số cây, chưa biết có ai trồng được hay không ra sao.
Một điều khác, đây là cây hoang mọc lên tại rừng này như là cây bản địa hay do các nguồn di thực nhân tạo? Điều này cần phải nhờ tới các nhà thực vật học chuyên nghiệp.
Đây rõ ràng là một giống cây hoa, nó có tại khu được gọi là “vườn lan” nhưng chẳng du khách nào nhìn thấy giò lan bông lan nào tại đây. Chỉ thấy những bụi Thu hải đường mọc hoang dưới các tán lá rợp. Vậy phải chăng những người đang quản trị khu vườn rừng quốc gia Ba Vì nên chăm hơn chút ít cho giống Thu hải đường này. Thay vì ngắm hoa lan, nếu du khách tới đây được thấy cả một vạt Thu hải đường cánh trắng nhị vàng lá xanh thì cũng đã lắm chứ? Mà đây lại là cái đang có tại chỗ rồi! Chỉ gia công thêm một chút nữa thôi?
Lại Nguyên Ân
11:43 22/02/2013 Tràng ngọc thạch – Chậu cây treo tường
14:23 20/11/2012 Hoa Cối Xay vẻ đẹp kỳ lạ của những bông hoa dại
10:02 15/08/2012 Muốn đạt điểm cao hãy ngửi cây hương thảo
16:24 14/08/2012 4 loại cây dễ trồng khiến muỗi “kinh sợ”
10:32 08/08/2012 Giảo Cổ Lam: chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con người
09:34 07/08/2012 Cây dương xỉ
11:47 01/08/2012 Chữa suy nhược cơ thể bằng những loại cây thân cỏ
17:17 10/07/2012 TRÚC THIÊN MÔI
17:03 10/07/2012 Cây hoa đồng tiền
11:47 20/06/2012 Hoa Tử linh lan
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+