Sớm muộn rồi bất kỳ chuyên gia thủy sinh nào cũng cảm thấy sự thôi thúc phải viết về loài choi lưới bất trị, loài cây nổi tiếng nhất trong giới thủy sinh. Tệ hơn, người đó trước tiên phải thử trồng chúng! Và sau vài lần thất bại vì không thể giữ cây sống lâu hơn vài tháng, đành chuyển sang tìm hiểu xem các chuyên gia khác viết gì, kể cả những tài liệu đã rất cũ – mà chúng thì đầy rẫy
.
J.eff W.alm.sley
Sớm muộn rồi bất kỳ chuyên gia thủy sinh nào cũng cảm thấy sự thôi thúc phải viết về loài choi lưới bất trị, loài cây nổi tiếng nhất trong giới thủy sinh. Tệ hơn, người đó trước tiên phải thử trồng chúng! Và sau vài lần thất bại vì không thể giữ cây sống lâu hơn vài tháng, đành chuyển sang tìm hiểu xem các chuyên gia khác viết gì, kể cả những tài liệu đã rất cũ – mà chúng thì đầy rẫy.
Tuy nhiên, những nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua việc tìm hiểu như vậy đều dẫn đến thất bại. Mặc dù mỗi tác giả đều khẳng định rằng có một tập hợp những nguyên tắc nhất định để trồng loài cây này, nhưng tất cả chúng đều khác nhau! Điều chứng tỏ rằng trên thực tế, loài cây này mọc trong bất kỳ điều kiện nào, hoặc giả mọi người chỉ đoán mò mà thôi. Vế sau có vẻ đúng bởi vì làm sao có thể giải thích được rằng trong tất cả các ấn phẩm về thủy sinh phát hành trong vòng một thế kỷ qua, lại không hề có hình một cây choi lưới nào phát triển đến độ trưởng thành trong hồ thủy sinh? Nếu bạn thấy tấm nào như vậy (và phát triển tối đa nghĩa là có trên một chục lá) thì hãy cho tôi biết nhé – Tôi đã xem trên một trăm cuốn sách và thậm chí đọc còn nhiều hơn nữa nhưng chẳng thể tìm ra tấm hình nào như vậy cả.
Hãy lựa chọn
Loài cây này đã được trồng, cứ cho là trong 200 năm, và hình dạng độc đáo của nó đã thu hút sự quan tâm của hầu hết sách vở về hồ cảnh nào có phần dành cho cây thủy sinh – cũng như chứa đựng vô số những lời khuyên đầy mâu thuẫn về vấn đề chăm sóc.
Những tác giả trong vòng 50 năm qua, bao gồm các nhà sinh học và viện sĩ với hàng loạt văn bằng tiến sĩ chuyên ngành, đã tuyên bố mạnh mẽ và chắc chắn như sau:
- Loài này không bao giờ tăng trưởng ở nhiệt độ trên 20 độ C, và không bao giờ dưới 24 độ C.
- Củ phải luôn được vùi, và nó không nên được vùi.
- Nó cần nền giàu dinh dưỡng, và nó thích hợp nhất với nền toàn sỏi.
- Nó phải được trồng trong nước tĩnh hoàn toàn, và dòng nước mạnh là điều kiện tối ưu cho sự tăng trưởng.
- Nó cần ánh sáng mạnh và nó phải luôn ở nơi có ánh sáng dịu.
… Với những lời khuyên như vậy, làm sao bạn có thể thất bại cho được?
Theo điều kiện tự nhiên?
Đối diện với những lời khuyên đầy mâu thuẫn, bạn có thể nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu tìm hiểu cách trồng choi lưới Madagascar bằng cách khảo sát môi trường tự nhiên của nó. Vâng, nghe rất hợp lý! Loài cây này được phát hiện trong các hồ nước tù, dòng thác gập ghềnh và những con sông êm ả; trong vùng râm mát của rừng cây và dưới ánh nắng chói chang của đồng trống; ở mực nước biển và độ cao 1800 mét trên mực nước biển; trong đủ mọi loại nước, từ trong suốt cho đến đục ngầu, từ độ pH bằng 5 cho đến 7.3 với độ cứng tổng gH và độ cứng carbonate kH từ 1 đến 8, và tầm nhiệt độ từ 15 đến 26 độ C. Nó mọc trên các loại nền từ đá ba-dan cho đến đá vôi, cũng như cả trên nền cát lẫn bùn. Bạn đã hiểu ra chưa?
Trên thực tế, nó dường như tăng trưởng ở mọi nơi - ngoại trừ trong hồ thủy sinh. Mặc dù từ củ mọc ra những cái lá xinh đẹp – có lẽ lên tới 10 lá hay hơn, và thậm chí còn ra hoa nữa – nhưng rồi nó vẫn chết.
Một giáo sư xuất sắc người Hà Lan vào những năm 1950, người sau này nổi danh trong giới thủy sinh, và theo đuổi trường phái “trồng nước mát”, nói rằng chúng ta cần lưu ý đến nước “cũ” (dù là loại gì) mà nó làm cho lá héo rũ và rằng chúng ta phải ươm củ nảy mầm trong nước ấm trước khi đem trồng trong hồ thủy sinh.
Ông nói rằng nhất định không được trồng nó cùng với những loài cây thông thường khác, mà chỉ mình nó một hồ riêng, trong vương quốc lộng lẫy đơn độc – lời khuyên được lặp lại bởi nhiều tác giả khác những năm sau này, đến nỗi trở thành thông lệ và hỗ trợ cho tuyên bố của vị giáo sư nổi tiếng. Nhưng ngoài điều này, chỉ một điều khác nữa mà ông và mọi người đều đồng ý và cũng là điều mà bạn đọc đi đọc lại hoài trên các ấn phẩm được xuất bản, đó là chỉ những người thật giỏi giang, chẳng hạn như các tác giả, mới nên gắng trồng loài cây này! Tuy nhiên, lời khuyên này hoàn toàn có thể bỏ qua một bên cùng với tất cả những lời khuyên còn lại.
Lời khuyên trong các sách thủy sinh hay gây tò mò (lẽ dĩ nhiên) và thường bao gồm các lưu ý đại loại như “tảo và cặn bẩn bám trên lá sẽ làm hại nó”. Loài này được phát hiện ngoài tự nhiên trong các vùng nước đục đến mức không thể nhìn thấy gì thì lời khuyên trên dường như không hợp lý. Trên thực tế, tảo và cặn bẩn bám trên lá choi lưới tác hại đến nó ít hơn nhiều so với những loài cây thủy sinh khác, và nó vẫn tăng trưởng mặc dù tảo tóc có bám đầy xung quanh hay không (tôi đã kinh nghiệm điều này!).
Người duy nhất không thuộc nhóm “đừng-cố-trồng-ở-nhà” là Barry James, tác giả cuốn A Fishkeeper’s Guide to Aquarium Plant (Salamander Books, Ltd., 1986) xuất bản cách nay 22 năm (và vẫn đáng xem). Trong đó, ông viết như sau: “độ pH và độ cứng không cố định… nhiệt độ từ 15 đến 25 độ C… mọc ngay lập tức trong nền toàn sỏi”. Điều kiện giống hệt như rau đắng biển (cây tiềm liên) Cabomba caroliniana! À, nhưng ông từng bán chúng.
Tuy nhiên, địa bàn phân bố rộng của nó cho thấy rằng Barry đã hoàn toàn dựa vào trực giác. Không may, bên cạnh địa bàn phân bố đa dạng, dường như còn một số yếu tố chưa-xác-định nữa khiến nó không thể tồn tại lâu trong hồ cảnh, vì mặc dù nó mọc từ củ, và còn mọc rất nhanh nữa (mà không cần phải ươm trong nước ấm), nó vẫn bướng bỉnh từ chối sống tiếp đến năm thứ hai.
Dẫu có một vài trường hợp hiếm hoi, đáng tin cậy về việc duy trì thành công loài này trong nhiều năm, nhưng chúng đòi hỏi sự tận tâm mà rất ít người chơi thủy sinh nào có thể làm theo. Sau đây là một trong số những trường hợp như vậy.
Phương pháp chắc chắn
Hứng và lọc nước mưa để nó hơi có tính a-xít (pH khoảng 6.8) nhưng phải thật mềm. Thay khoảng một phần ba nước hồ hay nhiều hơn bằng nước mưa sau mỗi hai ngày, và quan sát kỹ các lá mới mọc. Nếu chúng có màu phớt trắng thay vì phớt tím, điều đó có nghĩa là nước đã “cũ” và cần phải thay toàn bộ.
Tuy nhiên, đòi hỏi có lẽ là khắt khe nhất đối với chúng ta đó là không được chiếu sáng từ mặt bên – mà chỉ được chiếu sáng dịu từ phía trên. Và dĩ nhiên, không tảo, không ốc và tuyệt đối không có cá. Nửa thế kỷ trước, Hugo Baum đã nói rằng có thể trồng cây nhiều năm trời bằng phương pháp này, cây của ông có từ 50 đến 60 lá.
Một số vườn sinh học dường như đã giải quyết được vấn đề theo cách tương tự. Nghe nói (mặc dù tôi chưa hề thấy) rằng chúng mọc quanh năm trong thùng - chỉ những loại làm bằng gỗ sồi và thông - đổ đầy nước mưa nguyên chất và đậy bằng nắp lưới mắt cáo hay lưới muỗi. Bạn có thể tự hỏi rằng: vậy có khác gì đâu?
Tôi từng trồng loài này nhiều lần rồi, và đi đến kết luận giống với rất nhiều người khác, rằng với người chơi thủy sinh bình thường như chúng ta, nên chăm sóc nó theo cách tương tự như những cây thủy sinh phổ biến khác, những loài dự định được trồng, tăng trưởng, nở hoa và lụi tàn trong vòng một mùa. Dĩ nhiên, nó không như vậy mà thực sự là loài củ sống lâu hay phải tăng trưởng, nở hoa, ra hạt, ngừng tăng trưởng và rồi tăng trưởng trở lại vào mùa sau. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không thể tạo mùa trong hồ thủy sinh, vì vậy loài cây tội nghiệp này không biết phải làm sao. Nhưng nếu lấy nó ra để ngâm trong nước lạnh cũng không ổn - trường hợp bạn tìm thấy củ (chúng thường bị tiêu hết khi cây ra lá), thì cây cũng tàn lụi dần.
Theo tôi nhớ, tôi thường cắt bỏ bất cứ cành hoa nào xuất hiện, mà theo tuyên bố của một số người, điều này có thể kéo dài tuổi thọ của cây thêm vài tháng, nhưng tôi thấy không có tác dụng đáng kể. Tôi càng tin rằng tuổi thọ phụ thuộc vào sức sống của từng cá thể. Một số chỉ nảy một nhánh hoa rồi chết, trong khi số khác nảy một loạt nhánh hoa, mà điều này cần rất nhiều thời gian so với việc chỉ nảy một nhánh – vì vậy tuổi thọ được kéo dài thêm.
Bạn có thể cắn răng chi khá nhiều tiền để mua loài cây ngắn hạn, nhưng chắc chắn sẽ tăng trưởng trong bất kỳ hồ nào và hãy nghĩ đến nhiều tháng trời thú vị mà nó đem lại cho bạn - bạn có thể tiêu cùng số tiền đó vào báo và tạp chí trong vòng một tuần, và có lẽ bạn cũng vứt đi hết sau một tuần. Vì vậy, tôi chiêm ngưỡng khi nó còn ở đó và quên đi khi nó biến mất – cho đến lần trồng sau. Hãy cứ mua cây và tận hưởng cho thỏa thích!
Và đừng quên rằng, có lẽ chính bạn, và chỉ một mình bạn, sẽ là người phát hiện ra bí mật của nó. Dẫu vậy, bạn sẽ thấy là trúng số còn dễ hơn, và nếu bạn tìm ra cách trồng loài cây lá to này đến mùa thứ hai, hãy liên hệ với TFH ngay lập tức và chia sẻ bí mật của mình cho tất cả mọi người.
Tất cả vấn đề là như vậy, hãy kết thúc bằng việc xem xét các biến thể choi lưới, việc nhân giống và dĩ nhiên, cả hình dạng mắt lưới của nó nữa.
Biến thể
Choi lưới có nhiều biến thể khác nhau. Đến nay đã có các biến thể hoa trắng và tím, lá rộng và hẹp, nâu và xanh, lưới vuông, lưới chữ nhật, lưới tròn, lưới bất thường, lưới to và lưới nhỏ, và một biến thể mà phần mô giữa các gân lá không hoàn toàn triệt tiêu hết (có lẽ bị lai tạp với loài khác). Thậm chí có cả biến thể Nga khổng lồ với chiều dài lá đến cả mét mà tôi chưa từng trồng bao giờ (có nên hay không?).
Một số từng được đặt tên khoa học khác trong quá khứ, nhưng gần đây tất cả đều được coi như là các biến thể của cùng một loài Aponogeton madagascariensis. Như vậy, nhất định chúng phải có nhu cầu khác nhau. Nghĩa là, cùng loài cây mọc ở những vùng khác nhau sẽ trở nên hoàn toàn thích nghi với điều kiện ở vùng đó, vì vậy khi bạn cố trồng nó ở nơi khác trong điều kiện không thích hợp thì sẽ thất bại. Những cây mà chúng ta mua dường như khá dễ tính, tuy nhiên - chỉ tối đa vài tháng đầu mà thôi.
Tôi không nghi ngờ gì khi cho rằng biến thể tốt nhất – là một trong những loại có lá rộng nhất, lỗ to nhất và gân lá chằng chịt nhất. Đó là loại choi lưới gốc được lưu hành dưới tên gọi “Henkelianus”, nhưng buồn thay, ảnh chụp về nó trong một số sách lại là các biến thể khác nhau và có lẽ việc bạn kiếm được loại cây nào đành phó mặc cho may rủi.
Nhân giống
Thật ngược đời, và mặc dù tôi chưa thử bao giờ, nghe nói việc nhân giống lại dễ dàng - điều này lý giải tại sao chúng ta không bao giờ thiếu hàng. Như tất cả các loài cây thuộc họ Aponogetonaceae ở châu Phi, mỗi cành hoa có nhiều nhánh, số nhánh từ hai đến sáu, và trong trường hợp này chúng tự thụ phấn – nghĩa là tạo ra hạt từ phấn của chính mình, bạn có thể hỗ trợ cho quá trình này bằng cách quẹt nhẹ những nhánh hoa đã nở hết với nhau.
Những hạt nhỏ giống-như-củ được tạo ra, đôi khi còn nảy mầm ngay trên nhánh hoa, và theo một tác giả, nếu cẩn thận đem trồng trong nước thì nó sẽ nảy từ 5 đến 8 lá dài 20 cm trong vòng 6 tháng. Còn làm gì nữa sau đó là tùy bạn!
Và mặc dù cách này không thích hợp với người chơi bình thường, những củ mạnh khỏe đôi khi nảy mầm (offset), mà nó có thể được cắt rời bằng dao sắc và đem trồng nơi khác. Nhiều củ mà chúng ta mua rõ ràng là được sản xuất bằng cách này trong môi trường bán tự nhiên.
Tại sao lá có lỗ?
Sau cùng, còn một vấn đề lớn nữa - tại sao lá có lỗ? Khi lá mới xuất hiện, nó chưa hề có lỗ - lỗ chỉ xuất hiện một khi lá phát triển. Để tạo ra lỗ, cây sử dụng một quy trình sinh học gọi là “cái chết lập trình sẵn” (PCD – programmed cell death), một hiện tượng nổi tiếng mà trên thực tế, phổ biến ở nhiều loài thực vật (và thậm chí ở một số loài động vật).
Quan sát dưới kính hiển vi, các tế bào lá choi lưới non chết dần khi mà lẽ ra chúng phải phát triển (phần giữa các gân lá). Sự hủy hoại là hậu quả của việc ngưng cung cấp dưỡng chất và khiếm khuyết sắc tố anthocyanin (tôi nghĩ bạn thực sự muốn biết tại sao như vậy) nhưng quá trình này không ảnh hưởng đến những tế bào lân cận mà chúng tạo nên các gân lá. Hành vi khống chế một cách có chủ đích này luôn xảy ra vào đúng một thời điểm trong quá trình phát triển của mỗi chiếc lá và được gọi là “PCD tăng trưởng”. Đặc điểm độc đáo như vậy khiến nó trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học, và ở Canada, hiện đang có một phòng thí nghiệm với hàng loạt nhân viên nghiên cứu riêng về loài này!
Ở những loài thực vật khác, quá trình này được sử dụng như là một cơ chế tự vệ chống lại bệnh tật và sự cận huyết. Chẳng hạn, một số cây có khả năng tự chết đi nhưng về mặt di truyền, những hạt kém chất lượng vẫn hình thành bởi phấn hoa không phù hợp, điều này giải thích tại sao một số cây không thể tự thụ phấn (mặc dù choi lưới vẫn làm được). Nhưng ở trường hợp của choi lưới, công dụng của lỗ vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải. Có lẽ nó bắt nguồn từ xa xưa, khi tổ tiên choi lưới phải chống chọi với những điều kiện nào đó mà chúng khiến toàn bộ lá cây thành như vậy. Hiển nhiên, choi lưới nhờ vậy có bề ngoài rất khác biệt mà với tôi phần nào còn hấp dẫn nữa. Một loại “quái vật” chăng ?
Nhưng dù bí mật về những cái lỗ trên lá là gì, thì có một điều hoàn toàn rõ ràng: chúng được thiết kế một cách hoàn hảo để bẫy rong và tảo trôi ngang qua, cùng với rất nhiều chất bẩn – mà có lẽ bằng cách nào đó chúng có thể hấp thu được?
Vì vậy, loài cây này đưa ra nhiều câu hỏi hơn là trả lời và để lại cho chúng ta một số bí ẩn chưa có lời giải.
14:00 15/11/2012 Thủy Nữ: Ngôi sao rực sáng giữa đầm lầy
16:58 08/10/2012 Hồ sinh cảnh nhân tạo khổng lồ Bonito
11:56 08/09/2012 Chơi thuỷ cảnh
15:23 31/08/2012 La hán xanh
10:42 26/08/2012 Trang Chuối, chăm sóc & nhân giống
10:49 24/08/2012 Ngắm sen Hà Nội tháng 5
11:14 23/08/2012 Ngắm bông sen 2 màu cực đặc biệt
16:15 18/08/2012 Các loại cây cho vườn thủy sinh
15:52 18/08/2012 Hướng dẫn tạo thác nước trong hồ thủy sinh
15:37 10/08/2012 Vì sao thực vật thủy sinh không bị thối rửa
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+