Tôi có đi dự triển lãm hoa lan tại TP. Langley, BC, Canada vào cuối tháng 10 -2010. Khi đến gian hàng hoa lan Orchidweb, đến từ tiểu bang Minnesota, Hoa kỳ, tôi thấy có một chậu lan Dendrobium papilio "Papilio x White Angel", trông mảnh mai, rất dễ thương, thân và lá giống như loại trúc, thân nhỏ bằng cọng cỏ may. "Cỏ cũng cùng dòng họ với tre, trúc", lá chiều ngang từ 5 đến 7 ly, chiều dài từ 5 đến 7 phân, thân có đốt giống loài trúc. Cây phải từ 18 đốt trở lên mới ra hoa, trước khi ra hoa thân cây rụng lá gần hết, chỉ còn 1 hoặc 2 lá trên ngọn. Hoa màu trắng, nhụy có sọc màu hồng, cánh hoa chiều ngang khoảng 6 phân, giống như con nhạn trắng đậu trên ngọn trúc. Vật liệu trồng loại lan nầy thích hợp với sphagnum moss, trồng bằng moss cây phát triển nhanh hơn trồng bằng vỏ cây v.v... Cây cần ánh sáng trung bình, có một điều thú vị là rễ lớn hơn thân.
Den. papillio mọc tại Philippines, không biết loại nầy có mọc tại Việt Nam không? và có tên Việt chưa? theo tôi vì hoa màu trắng rất đẹp tôi đặt tên bạch, thân và lá giống loại trúc tôi đặt tên trúc, thuộc loại phong lan tôi đặt tên lan, ba chữ gom lại tôi đặt cho loại lan nầy Bạch Trúc Lan.
Hội Hoa Lan Vancouver tổ chức họp mặt vào ngày 27-06-2012, đây là buổi họp cuối, sau đó nghỉ hè hai tháng, thấy tôi đến mấy bà Canadian hỏi sao không thấy tôi đem chậu lan Dactylorhiza elata đến dự thi, vì năm nào vào tháng sáu tôi cũng đem đến. Năm ngoái tôi đem đến, chậu lan của tôi có tới 18 giò hoa, tôi trúng được hai giải giải ban giám khảo và giải hội viên bầu chọn. Khi hoa tàn tôi chiết ra cho anh Phù lâm Hiệp một chậu, năm nay chậu lan của tôi chỉ có ba giò hoa, mà giò hoa lại ngắn, nên tôi không thể đem đi dự thi được.
Loại lan nầy thuộc xứ lạnh, mọc từ nước Áo chạy dài qua tới Anh Quốc, lan có củ giống như tép tỏi, mùa đông tuyết phủ lan không chết, ngược lại đem vô nhà lan sẽ chết. Mấy năm trước tôi cho ông bạn, tôi có dặn kỹ mùa đông đừng đem vô nhà, anh không nghe lời tôi đem vô green house, chậu lan bị chết. Hết mùa đông bắt đầu vào xuân, cây con nhú lên khỏi mặt đất, đầu tháng sáu cây trổ hoa, hoa màu tím trong giống như con bướm, khoảng một tháng hoa mới tàn. Tên Việt Ẩn Lan.
Loài lan nầy cũng giống như hoa Tulip, tiếng Việt có cái tên Uất Kim Hương, xuân nở đông tàn, nhưng tôi thích đặt tên cho loại lan nầy "Hằng Điệp", có nghĩa hằng hà sa số con bướm, nhiều không đếm xuể. Cách đây dài năm, anh Phan Siêu, tức nhà thơ Phan Nam đến nhà tôi uống trà anh thấy chậu Ẩn Lan của tôi đang nở hoa, anh có làm bốn câu thơ, sau đó tôi có chuyển đến HỘI HOA LAN VIỆT NAM ORANGE COUNTY, không biết ở Cali có ai trồng loại lan nầy được không?
Ngày hôm qua anh Nguyễn văn Sang gởi email đến tôi, hình Amazing Monkey Orchid. anh hỏi tôi có từng thấy loại lan mặt khỉ nầy chưa?, tôi liền trả lời anh, tôi có thấy qua rồi, loại lan nầy xuất xứ từ Ecuador, có tên khoa học Dracula. Tôi nhớ có lần tôi đi dự triển lãm hoa lan tại Langley, BC, tôi có gặp nhà vườn từ Ecuador đem qua bán loại lan mặt khỉ có cái tên Dracula cordobae, tôi vừa cầm lên xem, vợ tôi đứng bên cạnh thốt lên "Anh à! đừng mua, em thấy giống như hai con mắt nó đang nhìn em, làm em sợ quá", tôi đành để bụi lan xuống bàn. Có nhiều loại lan nhìn thấy vẻ đẹp làm cho mình rung động, nhưng lan mặt khỉ Dracula cordobae hình dáng kỳ lạ, vợ tôi nhìn vào làm cho tâm thần bất an.
Tôi có tánh hiếu kỳ, về nhà vô Google coi loại lan nầy như thế nào, tôi thấy người tìm ra loại lan nầy tên Clever Cordoba, và được đăng ký vào năm 1979, lan mọc ở độ cao từ 800 đến 1000 mét, nơi mọc huớng tây nam nước Ecuador chạy dài tới nước Peru. Xứ Ecuador có khoảng 120 loại lan mặt khỉ. tôi thích đặt tên cho loại lan nầy Hầu Diện Lan, chữ hầu cũng có nghĩa là khỉ, chữ diện có nghĩa là mặt, ba chữ hầu diện lan, cũng có nghiã lan mặt khỉ.
Anh Phù lâm Hiệp bạn thân với tôi, sở thích của anh Thiên văn, ở Việt Nam anh không có học Việt văn, anh chỉ học chữ Trung Văn, anh là người thích nghiên cứu, có lần anh kể về chuyện lịch sử và hư cấu ở bên Trung Hoa, mà người Việt Nam mình ai cũng biết.
Chuyện thứ nhứt: Lương sơn Bá, Chúc anh Đài. Chúc anh Đài nhân vật lịch sử có thật, nhưng chết trước Lương sơn Bá trên 300 năm, Lương sơn Bá bị bịnh thổ huyết chết. Khi đem đi chôn đào mộ đụng quan tài của Chúc anh Đài, sau đó bỏ quan tài của Lương sơn Bá xuống chôn chung, người Hoa và người Việt mình kỵ đào huyệt hai lần, sau đó câu chuyện trở thành hư cấu.
Chuyện thứ hai: Võ đại Lang, ông làm quan ở tỉnh Sơn Đông, ông cao 1m80, không giống như trong chuyện ông lưng gù xấu xí. Vì do người đời ganh ghét viết sách để cho ông thành lưng gù, qua Việt Nam người ta cho ông thêm nghề bán phở, bán bánh bao. có câu nho "cửu phi thành thị" có nghiã là sửa lại lịch sử lâu ngày rồi trở thành sự thật.
Tôi có bà con với chú bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu, sau năm 75 chú thường nói "Chú có con gái mà không có nhờ, chỉ nhờ con gái Hoa Mộc Lan". Lúc đó tuồng hát Hoa Mộc Lan rất ăn khách, nếu có dịp về Việt Nam, tôi sẽ kể chi tiết hơn cho chú bảy nghe, trong bài nầy không cho phép tôi viết nhiều về những nhân vật kể trên. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với soạn giả Viễn Châu, có lần chú dẫn tôi vô rạp Hào Huê khui hụi, đêm đó đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát vở tuồng Bên Cầu Dệt Lụa. Lúc đó nữ nghệ sĩ Thanh Nga còn sống, có lần chú rủ tôi ra uống càfê, ở đường Nguyễn Cảnh Chân gần nhà chú, uống xong ly càfê là chú đã viết xong bài ca vọng cổ. Trước 75 tôi thường ghé nhà chú, mỗi lần chú thâu băng xong chú mở cho tôi nghe trước, có lần vừa gặp chú, chú bảo "Thái Hòa à! Bữa nay chú mới thâu xong bài vọng cổ tựa: ANH ĐI XA CÁCH QUÊ NGHÈO do nữ ca sĩ Ngọc Lan Đài ca". Tôi ngồi xuống uống trà nghe Ngọc Lan Đài ca giọng trầm ấm, nhả chữ thật mượt mà, chú bảy rất đắc ý về bài ca nầy. Viết nhạc chú lấy tên nhạc sĩ Mai Thanh Phượng, Mai là họ của thím bảy, còn Thanh Phượng là con trai của chú, có lần tôi "chọc" sao chú bảy không đề nhạc: Viễn Châu, Vọng cổ Viễn Châu luôn đi, chú nói: Ý đâu có được mậy. Gần cuối năm 1974 chú viết xong tuồng cải lương: SAU BỨC MÀN NHUNG, nhơn vật trong tuồng có tên má tôi, tặng cho đoàn hát 100 hột vịt ung, tôi hỏi sao chú bảy thêm vô chữ "ung" chi vậy?, chú cười: chú chỉ viết chị ba tặng một trăm trứng vịt, nhưng Văn Chung hát cương thêm vô chữ ung.
Năm 2002 tôi về Việt nam, sau 17 năm gặp lại chú bảy, chú già đi nhiều, vì sức yếu nên không còn dạy đờn nữa, chú hỏi thăm tôi ra hải ngoại làm nghề gì? ở hải ngoại có nghe bài vọng cổ của chú viết tựa: Xuân Viễn Xứ không? tôi trả lời dạ không, chú kêu thím lấy cho tôi môt cuộn băng cassette, chú nói Bài nầy chú tặng cho cháu. Tôi nói với chú, nhớ quê cháu có làm bốn câu thơ, chú liền nói: đọc đi.
Đọc vừa xong chú nói: có hồn, thơ mà không có hồn không được.
Trở về Canada tôi lấy cuốn băng cassette bỏ vô máy nghe, tôi lại thích bài Lá Trầu Xanh, do nữ ca sĩ Thanh Hằng ca, có một bản ngắn trước khi vô vọng cổ, tôi nghe rất quen thuộc, mà không biết tên gì. Hai năm sau có dịp chị Phượng Liên qua Vancouver hát, trên đường chở chị đến nhà. tôi hỏi chị bài đó điệu gì? chị trả lời điệu: Mạnh Lệ Quân. Chị cho biết ở Việt Nam chị ca bài Lá Trầu Xanh, khi chị ra hải ngoại, ở trong nước ca sĩ Thanh Hằng ca nếu có dịp tôi sẽ viết thêm về nữ danh ca cải lương Phượng Liên, Nữ Hoàng sân khấu, chị bà con bên nội.
Thành phố Vancouver, BC. có nhiều Hoa Anh Đào nhứt của xứ cờ lá Phong. Vào giữa tháng ba hoa Cherry blossom nở rộ, năm cánh màu trắng hồng, nhụy màu cam trong rất đẹp, hoa nở từ 7 đến 15 ngày hoa tàn. Cây cao khoảng từ 8 đến 12 mét, khi hoa tàn cây bắt đầu ra lá màu rượu vang. Cây được trồng ở công viên Elizabeth park, Stanley park và theo hai bên vệ đường. Còn loại Prunus serrulata hoa nở từ 15 đến 20 tháng 4 hàng năm, loại này hoa có nhiều cánh màu hồng rất đẹp, hoa nỡ từng chùm. Loại Hoa Anh Đào này trồng nhiều nhứt ở Vancouver, khi hoa nở Vancouver như chìm trong một rừng hoa. Khi hoa tàn, cánh hoa cuốn bay theo chiều gió, trong giống như xác pháo tung bay, làm phủ kín hai bên vệ đường với tầm nhìn ngút mắt, làm cho phong cảnh trở nên thơ mộng. mỗi lần dẫm bước đi qua, làm cho tôi lấm gót giầy "son", nên tôi cảm hứng làm bốn câu thơ.
Cho xin một đoạn đường tình.
Để anh đi với người mình yêu thương.
Đi trên hoa thảm phố phường.
Như trong giấc mộng thiên đường ở đây.
Nhưng năm nay khi loài Prunus serrulata nở hoa, trời lại đổ cơn mưa xuống suốt cả tuần, như một trận "mưa pháo", hoa chỉ biết cúi đầu hứng chịu. Nếu hoa biết nói chắc hoa sẻ thốt lên hai tiếng "anh kìa", câu nói thẹn thùng của cô thiếu nữ khi bị những chàng trai trêu chọc.
Cũng như những cây Prunus serrulata, cây Bạch trúc lan của tôi hoa vừa mới hé nở đã bi trận mưa tàn ác làm cho tả tơi tan tác, cho nên tôi không có cơ hội được thưởng thức những bông hoa xinh đẹp và hương thơm, cũng như không có hình ảnh để khoe với các bạn.
Để kết thúc bài Bạch Trúc Lan, tôi xin làm bốn câu thơ như sau:
(*) Mỹ Long là địa danh, thuộc huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
15:18 17/03/2014 "Tìm thấy lại" giống hoa lan quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi
11:22 28/02/2013 Lan căn điệp vàng
10:10 26/02/2013 Đại Lan - Kiếm Trần Mộng Sapa
15:54 04/02/2013 Lan Hồ Điệp cánh trắng điểm chấm tím
16:04 28/01/2013 Lan Búa - kỳ hoa dị thảo của Australia
18:34 25/01/2013 Vẻ đẹp đa dạng của hoa lan
11:09 23/01/2013 Nữ hoàng Sheba quyến rũ
10:23 14/01/2013 Cây Vanilla tự nhiên trồng thành công ở Việt Nam
11:35 24/12/2012 những chuyện mê Lan
11:18 24/12/2012 Lan và gốc nho: những mỹ thuật phẩm
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+