Đầu năm 2012, khi dạo quanh một vòng các gian hàng bán lan do hội Newport Habor tổ chức tại thương xá Westminter Mall, tôi đã ghé thăm gian hàng của Peter Lin.
Anh là một giám khảo của hội Hoa lan Hoa kỳ và là người chuyên trồng các cây Mini Cat, những cây lan Cattleya nhỏ bé. Hôm đó gian hàng của anh có một vài cây lan gốc gác từ các nước Á Châu. Trong số các cây lan đó có một cây lan, thân mập mạp nhưng trụi sạch hết lá. Cầm lên xem, thấy bảng tên ghi: Dendrobium cretaceum. Không một phút giây chần chừ hay ngần ngại tôi hỏi giá và trả tiền vì đó là một cây lan có mọc Việt Nam. Lần đầu tiên, tôi nhìn thấy cây lan này nở hoa tại vườn lan của anh Lê trọng Châu, Đà Lạt vào tháng 3-2010.
Thoạt nhìn bông hoa, tôi cứ ngỡ đó là Dendrobium aphyllum, nhưng khi nhìn kỹ lại mới biết là không phải. Cây Den. aphyllum cánh hoa mầu tím hồng, thân nhỏ và dài hơn nhiều, còn Den. cretaceum hoa mầu trắng toát và thân cây ngắn hơn nhiều.
Dendrobium cretaceum (Đà Lạt)
Dendrobium aphyllum (Ban mê Thuột)
Mang cây lan về nhà, vợ tôi hỏi: Ông mua làm gì cây lan chẳng có hoa mà cũng không có lá? Tôi giải thích cây này đương vào thời kỳ ngủ nghỉ để chuẩn bị ra hoa nhưng tháng 4 lặng lẽ đi qua, rồi tháng 5, cây vẫn ở trong tình trạng chỏng chơ mấy chiếc thân trơ trọi. Đến đầu tháng 6, ánh nắng đầu mùa hè mang lại cho miền Nam California khí hậu ấm áp hơn cũng chẳng thấy cây lan nhúc nhích chút nào...
Con rể tôi, hàng ngày tuy chỉ thích những món khoai tây chiên, đậu rán, nhưng sau khi xem bộ đĩa nấu ăn của Luke Nguyễn, môt người Úc gốc Việt đi suốt từ Nam tới Bắc trổ tài nấu mấy món ăn dân dã quê hương ngay bên bờ ao, trên thuyền hay trong các đền đài lăng tẩm, bỗng đùng đùng nổi hứng vác về chiếc bếp lò bằng đất nung và băm thịt làm chả, nướng trên lò than và mời chúng tôi tới dự. Hương vị của món chả bằm bằng dao cho thêm tiêu, hành rồi nướng trên lò than củi quả thực ngon hơn và khác hẳn với thứ thịt xay mua ở chợ và nướng bằng lò ga tại các quán ăn ở khu vực Little Saigon. Ngoài món thịt nướng, con gái tôi còn nấu thêm món bún ốc mà có người lại thêm chữ riêu vào đó, có lẽ là vì nấu riêu cua và bỏ thêm ốc vào đó cho nên không còn hương vị thuần túy. Món ăn quê hương này, tuy rằng đầy rẫy ở thủ đô của những người ty nạn, nhưng thành thực nói rằng chẳng có nơi nào nấu cho ra hồn.
Khi về Viêt Nam, người ta nói rằng bún ốc ở Thụy Khuê, Hà nội mới là đệ nhất, nhưng khi tới nơi thấy chẳng bõ với tiền cuốc Taxi tốn trên 100 ngàn đồng, còn ở Saigon không sao có thể tìm lại được hương vị của gánh bún ốc bán rong quanh chợ Bến Thành khi trước.
Ngày hôm sau, sau khi dùng điểm tâm với món bún ốc còn dư lại trong bữa ăn ngày hôm trước, miếng ốc bươu dù đã phải hâm lại nhưng vẫn còn ròn tan và phảng phất mùi đặc biệt của con ốc đồng quê, quyện lẫn với hương thơm của rau răm và kinh giới nhà trồng. Cộng vào đó là ly cà phê Christmas blend của Starbucks làm cho tinh thần càng thêm sảng khoái, tôi bước ra vườn, thấy cây lan đã có những nụ xanh ở các đốt cây. Những chiếc nụ xanh từ từ lớn dần và những bông hoa đầu tiên của cây Dendrobium cretaceum, cùng với 5 chùm bông của cây Epidendrum raniferum và một chùm 5 bông của cây lan đặc hữu của Việt Nam: Coelogyne mooreana (Thanh đạm tuyết ngọc) đã nở hoa trái mùa vào ngày mùng 4 tháng 7, như thể thay cho đám người Việt tị nạn, mừng ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, xứ sở của Tự Do, Dân Chủ và Thịnh vượng này.
Trong khi tìm hiểu về cây Dendrobium cretaceum do Lindley công bố vào năm 1847, chúng tôi nhận thấy có một vài điều thú vị, cần phải trình bầy với các bạn: Thực ra cái tên Dendrobium cretaceum được nhiều người dùng nhất chỉ là đồng danh của cây Dendrobium polyanthum mà thôi, bởi vì cây này do Wall. ex Lindley tìm ra vào năm 1830. Ngoài mầu trắng, cây Dendrobium polyanthum còn có dạng mầu tím hồng. Nhưng cây lan mầu này, người ta lại còn cho là cùng tên với cây Dendrobium primulinum chỉ khác ở chỗ cây sau này có chiếc lưỡi hoa mầu vàng sẫm.
Ảnh: Nguyễn minh Đức
Đối với các khoa học gia chuyên môn về hoa lan, mầu sắc đôi khi không phải là điểm chính để phân biệt, có thể là sự khác nhau về thân cây, hoa lá, và chìa khóa chính xác nhất để xếp hạng loài này hay giống khác lại là cấu trúc của bộ phân sinh sản trong chiếc hoa.
Chuyện này quá tầm hiểu biết của những người chơi lan tài tử. Vì vậy đôi khi thấy cây lan đang ở loài này bỗng dưng nhẩy sang loài khác hay giống khác, chúng ta cũng không nên thắc mắc. Ngay cả những người trong giới chuyên khoa về lan (Taxonomist) nhiều khi cũng không đồng ý với nhau. Ai muốn dùng tên mới thì dùng, ai không muốn cứ việc dùng tên cũ, chẳng sao. Miễn là đừng gọi tên một cây thảo mộc nào đó là lan, thí dụ như cây Cẩm cù (Hoya carnosa) đừng gọi là Lan cẩm cù là được rồi.
Hoya carnosa
anhttt.blogspot.com
Clivia
rgbstock.com
Aeschynanthus humilis
mountainviewtropicals.com
Nhưng theo triết thuyết "Ba Phải" hay thuật Đắc nhân Tâm thì cứ gọi là lan Cẩm cù, Lan Quân tử (Clivia), Lan Hồng xà (Aeschynanthus humilis) cũng chẳng có chết thằng Tây nào đâu? Thắc mắc làm chi cho mệt!
Rồi đây với Hội Hoa Lan người Việt, các cây lan Việt Nam sẽ mang lại cho dân bản xứ nhiều cây lan Đông Phương xinh đẹp, cũng như những công dân mới này đã mang những món phở, chả giò, gỏi cuốn và gần đây với món cá kho tộ khoái khẩu v.v... đến với những người trước đây chỉ biết đến Steak hay Hamburger.
Nói như vậy có phải là chủ quan, cố hữu hay quá lộng ngôn hay không các bạn?
BÙI XUÂN ĐÁNG
15:18 17/03/2014 "Tìm thấy lại" giống hoa lan quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi
11:22 28/02/2013 Lan căn điệp vàng
10:10 26/02/2013 Đại Lan - Kiếm Trần Mộng Sapa
15:54 04/02/2013 Lan Hồ Điệp cánh trắng điểm chấm tím
16:04 28/01/2013 Lan Búa - kỳ hoa dị thảo của Australia
18:34 25/01/2013 Vẻ đẹp đa dạng của hoa lan
11:09 23/01/2013 Nữ hoàng Sheba quyến rũ
10:23 14/01/2013 Cây Vanilla tự nhiên trồng thành công ở Việt Nam
11:35 24/12/2012 những chuyện mê Lan
11:18 24/12/2012 Lan và gốc nho: những mỹ thuật phẩm
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+