Vừa mới trình bầy với quý bạn về 11 cây lan mới của Việt Nam, nỗi hân hoan chưa kịp dứt, chúng tôi lại nhận được bản công bố mới của nhóm chuyên gia Nga Việt: Leonid Averyanov, Phan kế Lộc, Phạm văn Thế và Nguyễn tiến Hiệp do thạc sĩ Phạm văn Thế gửi cho bản Pdf đăng trên LINDLEYANA và nguyệt San ORCHIDS số tháng 6-2012 của Hội Hoa Lan Hoa Kỳ.
Bản công bố này đề cập đến 2 cây lan:
Lockia sonii, một loài lan mới (new genus) cho thế giới.
Schoenorchis scolopendria một giống lan mới (new species). Cây lan này đã được mô tả trong bài 11 cây lan mới của VN, cho nên xin miễn nhắc lại và được nói thêm về cây Theana vietnamica, một loài lan mới cho khoa học thế giới.
Trong nhóm chuyên gia này, chúng tôi đã may mắn gặp tiến sĩ Leonid Averyanov nhiều lần tại Hoa Kỳ, riêng các khoa học gia Việt Nam chúng tôi chỉ được gặp giáo sư Phan kế Lộc vài lần ngắn ngủi.
Cây lan Lockia sonii được đặt tên Lockia cho một loài mới, để vinh danh Giáo sư Phan Kế Lộc một nhà khoa học Việt Nam, đã sát cánh cùng tiến sĩ Leonid Averynov hầu hết trong những chuyến khảo sát thực địa từ Bắc chí Nam trong suốt thời gian từ thập niên 1960 cho tới ngày nay. Còn chữ sonii để vinh danh ông Nguyễn Thanh Sơn một người yêu chuộng hoa lan của tỉnh Sơn La.
Giáo sư Phan Kế Lộc là con trai út của cụ Phan Kế Toại, Khâm Sai Đại thần triều nhà Nguyễn. Ông sinh tại Vĩnh Phúc vào năm 1935, tốt nghiệp Tiến sĩ tại trường Đại Học St. Petersburg năm 1969 và giảng dậy tại Trường Đại học Khoa Kọc Tự Nhiên & Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Sinh Vật. Ông là đồng tác giả của quyển sách Lan hài Việt Nam (Slipper Orchids of Việt Nam) (bản tiếng Anh và tiếng Việt). Ông cũng là tác giả, đồng tác giả của 6 cuốn sách và hơn 170 bài báo khoa học về thực vật VN.
Lockia sonii Aver. 2012
Ảnh: Leonid Averyanov
Ảnh: Leonid Averyanov
Ảnh: Leonid Averyanov
Là một loài phong lan thân đơn, cây lan Lockia sonii thân và hoa có dáng dấp giống như Vanda teres và Luisia, thân mọc thẳng cao chừng 50 phân, ngang to 4-8 ly. Lá cứng và dài 15-20 phân, ngang 5-8 ly. Chùm hoa mọc ở kẽ lá, dài 3-4 phân, hoa 8-10 chiếc to 1-2 phân, nở vào đầu mùa Xuân.
Ảnh: Leonid Averyanov
Ảnh: Chu xuân Cảnh
Theo giáo sư Phan kế Lộc cây lan này nở hoa tại vườn lan của ông Nguyễn thanh Sơn, chủ nhân Sơn Lẩu Quán tại Sơn La. Sau đó, khi khảo sát thực điạ, ông lại tìm thấy tại Chiềng Cọ, Sơn la.
Anh Nguyễn thanh Sơn cho biết:
Cây này rất tình cờ anh mua được từ ngoài chợ, sau đó tìm hiểu từ người bán, anh đã phát hiện ra là họ khai thác ở khu vực bản Tông Cọ xã Chiềng Cọ thuộc địa phận thành phố Sơn La "địa danh này giáp ranh với huyện Thuận Châu - Sơn La". Sau đó anh đã tiến hành một cuộc thăm dò và tìm hiểu nhưng không có kết quả vì lúc đó đang vào mùa mưa, lần thứ hai anh đi vào nơi đó thì phải chứng kiến một cảnh tượng rất đau lòng là toàn bộ những cánh rừng ở khu vực đó đã bị cháy hoàn toàn, nên anh không có tư liệu của cây này ở trong rừng được. Anh đã nuôi trồng ở vườn nhà được hơn một năm, khi đó cây này đang lúc ra hoa thì gặp lúc ông Phan Kế Lộc và ông Leonid Aveyanov tình cờ ghé thăm vườn lan của anh.
Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Ảnh: Nguyễn Thanh Sơn
Theana vietnamica Aver., gen. nov.
Loài lan này được đặt tên để vinh danh Thạc sĩ Phạm văn Thế người đã tìm ra cây lan trên độ cao 500-700 th tại sườn một ngọn núi đá vôi đã mòn lở thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, huyện Lạc sơn, tỉnh Hòa Bình ngày 25-3-2011.
Ảnh: Phạm văn Thế
Mô tả: Phong lan cực nhỏ, thân đơn mọc rủ xuống dài 5-15 ly. Lá 2-5 chiếc, dài 1,5-4 phân, ngang rộng 4-10 ly. Chùm hoa dài 1-2 phân. Hoa 2-3 chiếc to 5-8 ly. nở vào mùa Xuân.
Nơi Mọc: Phạm văn Thế, Nguyễn tiến Vinh, Leonid Averyanov tìm thấy tại Lạc sơn, Hoà Bình ngày 25-3-2011.
Thạc sĩ Pham văn Thế là một trong những người trẻ tuổi trong đoàn khảo sát, đã từng cộng tác với giáo sư Leonid Averyanov và Phan kế Lộc từ mấy chục năm qua.
Cây lan Theana vietnamica rất nhỏ, hoa tuy không đẹp, không có giá trị về mặt thương mại bằng cây Lockia sonii, nhưng đối với thế giới hoa lan lại là một khám phá mới lạ. Riêng đối với những người Việt yêu chuộng hoa lan lại là một thắng lợi về tinh thần dân tộc.
Ảnh: Phạm văn Thế
Ảnh: Phạm văn Thế
Mấy năm về trước, chúng tôi cũng như nhiều người đôi khi cảm thấy bất công vì những cây lan mới được tìm ra ở núi rừng Việt Nam, khi được đặt tên chúng lại mang một cái tên lạ hoắc chẳng dính líu gì tới Việt Nam, hay những người đã tìm ra nó. Do đó khi có dip trò chuyện với tiến sĩ Leonid Averyanov và các khoa học gia ngoại quốc chúng tôi đều nêu vấn đề này ra và đặt thẳng vấn đề khi giới thiệu cây lan hài Xuân Cảnh (Paph. canhii). Gần đây giáo sư Phan Kế Lộc đã xác nhận sư thỏa thuận với giáo sư Leonid Averyanov là nếu một giống lan mới (Genus) hay loài mới (species) sẽ được mang tên người tìm ra nó.
Thưc ra những người yêu lan đâu có xá chi chút danh cỏn con, nhưng đây là một chuyên nên làm và phải làm. Không biết có phải tinh thần tự hào dân tộc của chúng tôi đặt quá nặng và đi quá trớn nên đã vi phạm vào sự tự do quyết định của các khoa học gia chăng? Nếu nhận định như vậy, chúng tôi xin được lượng thứ.
15:18 17/03/2014 "Tìm thấy lại" giống hoa lan quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi
11:22 28/02/2013 Lan căn điệp vàng
10:10 26/02/2013 Đại Lan - Kiếm Trần Mộng Sapa
15:54 04/02/2013 Lan Hồ Điệp cánh trắng điểm chấm tím
16:04 28/01/2013 Lan Búa - kỳ hoa dị thảo của Australia
18:34 25/01/2013 Vẻ đẹp đa dạng của hoa lan
11:09 23/01/2013 Nữ hoàng Sheba quyến rũ
10:23 14/01/2013 Cây Vanilla tự nhiên trồng thành công ở Việt Nam
11:35 24/12/2012 những chuyện mê Lan
11:18 24/12/2012 Lan và gốc nho: những mỹ thuật phẩm
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+