Theo GS. Phạm Hoàng Hộ trong cuốn "Cây Cỏ Việt Nam" quyển III, tập 2, xuất bản năm 1993, trang 1140 và tái bản năm 2000, quyển III, trang 920, có vẽ hình và mô tả loài lan này như sau: Phong lan có thân hay giả hành đứng dài đến 2-3 mét, tròn, dẹp dẹp, có vảy. Lá song đính, mỏng, dài đến 60 cm, đầu tròn. Trục phát hoa ở gốc, to bằng ngón tay; chùm tụ tán; lá hoa 2,5 cm, xanh xanh; hoa thưa, to, rộng đến 15 cm, vàng có đốm nâu sậm; môi nhỏ, 3 thùy, thùy cạnh cao ôm lấy cột, vàng có sọc đỏ, có lông, đáy có 3 sóng cao.
Lan Thanh Tuyền ở vườn Thực Vật Singapore
Về sự hiện diện của loài này thì trong lần xuất bản 1993 ghi: rừng ven suối, Nam Bộ; trong kỳ tái bản năm 2000 lại ghi: Rừng ven suối, tìm lại ở Trung và Nam bộ (Poulo Ding-Ding). Nhưng theo Seidenfaden trong "The Orchids of Indochina" xuất bản 1992, trang 345 ghi chú rằng loài này có ở Lào qua các mẫu vật của A. D. Kerr, và nói rõ: một loạt tác giả (trong đó có các tác giả gần đây như Averyanov) cho rằng vùng phân bố loài này bao gồm cả Nam bộ, nhưng theo Seidenfaden thì điều này không đúng và đề nghị loại bỏ sự phân bố của loài này ở Nam bộ. Seidenfaden tin rằng sai lầm bắt nguồn từ Blume trong cuốn "Museum botanicus Lugduno-Batavium" xuất bản năm 1849, trang 47 đã ghi rằng sự sưu tập loài lan này của Finlayson ở "Pulo Dinding, cochinchina". (Đảo Dinding thuộc Nam Bộ)
Lan Thanh Tuyền bán ở chợ Mã lai |
Finlayson lần đầu tiên viết về loài lan to lớn này trong bức thư gởi cho Sommerville vào Noel, năm 1822. Finlayson mô tả rất đầy đủ cây này bằng tiếng La-tinh trong nhật báo Thực vật của ông ta, và ở trong cuốn "Mission to Siam and Huế", xuất bản năm 1826, trang 35-36, ông ta ghi "Pulo Dinding cách xa ½ dặm về phía bắc nơi xưa cũ và bị tàn phá dữ dội bởi một lần chiếm đóng của Hà Lan". Nghiên cứu báo cáo của Finlayson cho thấy rõ ràng Pulo Dinding nằm ở bờ tây của bán đảo Mã Lai, trong khi Dinding nằm ở bờ tây gần Teluk Anson, nơi mà Seidenfaden đã thấy loài lan đẹp lớn lao này. Vì vậy theo Seidenfaden thì Lindley (1833:178) đã đúng khi đặt mẫu của Finlayson ở Pulo Dinding, Mã Lai. Vì vậy theo Seidenfaden thì sự phân bố loài lan Thanh Tuyền này ở Nam Bộ (Cohinchine) cần được gạt bỏ. Có thể vì vậy mà A. Schuiteman & E. F. de Vogel trong "Orchid Genera of Thailand, Laos, Cambodia and Vietnam" xuất bản năm 2000 đã khẳng định: chưa tìm thấy chi này ở Campuchia và Việt Nam, Leonid V. Averyanov và Anna L. Averyanova trong "Updated Checklist of The Orchids of VietNam" năm 2003 cũng đã loại bỏ cây lan Grammatophyllum speciosum ra khỏi danh sách lan ở Việt Nam!.
Lan Thanh Tuyền trồng ở Thái Lan |
Trong chuyến đến Phú Quốc từ 17 đến 20 tháng 8 năm 2009, nằm trong chương trình Nghiên cứu Đa dạng Sinh học Phú quốc của tổ chức Wildlife At Risk (WAR) chúng tôi đã nhận được thông tin về sự hiện diện của loài lan Grammatophyllum speciosum ở Phú quốc. Mặc dù chúng tôi có thấy ông Tám Thơm trồng loài lan này tại nhà và chỉ đường cho chúng tôi đến địa điểm mà theo ông, ông đã lấy về trồng và đã cho nhiều người, nhưng chúng tôi không tìm gặp được chúng trong thiên nhiên. Vì vậy, dù biết chính xác loài lan mà ông Tám trồng là Grammatophyllum speciosum nhưng vì chưa tận mắt chứng kiến chúng sống trong thiên nhiên nên trong Hoa Cảnh số 8-2009 với tựa bài "Trồng lan Hoàng hậu" khi nhắc đến loài lan Grammatophyllum speciosum ở trang 12, chúng tôi vẫn dựa vào tài liệu cũ mà không đề cập đến sự hiện diện của chúng ở Phú quốc. Kế đến tác giả Lý Thọ trong cuốn "Lan hoang dã Phú Quốc" do tổ chức WAR xuất bản, trang 124-125 có ghi nhận loài lan này, nhưng mục phân bố cũng chỉ ghi rất chung chung: Rất hiếm; gặp rải rác trên cành cây trong rừng ẩm Vườn Quốc Gia Phú Quốc!.
Từ ngày 3 đến 6 tháng 6 năm 2010, cũng do WAR tài trợ, chúng tôi trở lại Phú quốc. Trước đó chúng tôi nhận được tin Kiểm Lâm Phú Quốc vừa bắt được một xe chở cây Lan Thanh Tuyền lấy trộm từ rừng Phú Quốc. Chúng tôi đã theo chân người hướng dẫn vào tận rừng ở Bãi Thơm. Tại đây chúng tôi thấy một cây gỗ lớn đã chết ngọn, cao khoảng 15-20 m, to cở 0,5 m, bị cưa ngã. Trên thân cây còn lại dấu vết của cây lan bám mọc bao phủ khoảng 2 mét chiều cao. Đám rễ bị cắt bỏ tại hiện trường có thể chất đầy một xe tải nhỏ. Một vài đoạn thân còn bỏ lại cao đến 1,5-2 mét. Người ta cho hay cây lan này sở dĩ bị phát hiện và bị bắt vì nó quá to, khi chở đi nó lòi ra khỏi xe kéo. Thật sự đây là bụi lan cực lớn, ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Đã nhiều năm đi rừng săn lan, nhưng chúng tôi không thể hình dung một bụi lan to lớn, nặng nề nhự vậy lại có thể sống bám trên cao của một cây gỗ không quá lớn!. Do vậy, lần đầu (tháng 8 năm 2009) cứ lùng sục quanh gốc những khóm cây gỗ trong những khu rừng thưa đất ẩm!
Theo anh Nguyễn Tấn Chiến (người đã ghi hình loài lan này qua điện thoại di động rồi gởi cho anh Trần Anh Vũ) thì thân sinh của anh là ông Nguyễn Tấn Lượng đã lấy về trồng loài lan này từ vùng núi Hòn Một, khu Bãi Thơm cách nay 7-8 năm về trước và sau đó có người ở Viện Kiểm Sát đến mua. Cây lan này sau đó đi về đâu thì hiện không rõ!
Ông Tám Thơm lấy cây lan này cũng từ Bãi Thơm về trồng rồi cho bà chủ nợ ở Dương Đông. Bà này tách chiết ra cho nhiều người, trong đó có người mà anh Vũ theo về tận nhà để chụp hình gởi anh Lý Thọ.
Và mới đây, Kiểm lâm đã bắt được một người khác lấy trộm cây lan Thanh Tuyền từ rừng núi.
Tất cả 3 trường hợp này đều xuất phát từ rừng Bãi Thơm. Do đó nếu Blume đã sai như Seidenfaden đã phân tích như trên khi ghi địa điểm thu mẫu cây lan này của Finlayson là "Pulo Dinding, cochinchina". Như vậy việc phát hiện loài lan Thanh Tuyền Grammatophyllum speciosum tại Bãi Thơm, Phú quốc, tái khẳng định sự hiện diện của chúng ở Việt Nam!
Hiện ở Dương Đông, Phú Quốc, có nhiều người trồng cây lan này nhưng có thể sẽ chết hoặc không sống tốt để ra hoa, vì vậy nhân đây chúng tôi ghi thêm cách trông loại lan này với hy vọng chúng được phát triển tốt, nhân giống cho nhiều người nuôi trồng như chúng đã được nuôi trồng tại các nước quanh ta, cũng là phương thức bảo tồn vậy.
Đây là loài lan đa thân to lớn nên phải trồng chậu lớn. Hiện chúng đã được trồng trong các hộc gỗ, phát triển tương đối tốt, nhưng chúng sẽ nhảy chồi và phát triển tương đối tốt, nhưng chúng sẽ nhảy chồi và phát triển cao trên 1,5-2,5 m vì vậy không thể đứng vững trong chậu. Do đó cần đóng chắc các hộc gỗ này trên những gốc cây khô (để tránh ngập úng khi mưa nhiều), chung quanh tấp thêm những khúc gỗ hoặc vỏ dừa khô. Tưới nước vo gạo mỗi ngày 1-2 lần và nước rửa cá thịt (không có muối). Với các bạn đã có kinh nghiệm trồng lan thì có thể sử dụng phân thuốc như trông lan lai. Sau khi chúng sống tốt thì tập dần cho chúng sống với nắng (giảm dần việc che nắng). Trong tất cả các trường hợp phát hiện loài lan này trong tự nhiên, chúng sống trên cây gỗ chết ngọn – nghĩa là không bị che nắng, lúc đó chúng sẽ cho hoa. Các bạn có thể tham khảo hình ảnh cây lan Thanh Tuyền trồng tại Thái Lan và Mã lai.
Nguyễn Thiện Tịch, Nguyễn Vũ Khôi, Trần Anh Vũ
15:18 17/03/2014 "Tìm thấy lại" giống hoa lan quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi
11:22 28/02/2013 Lan căn điệp vàng
10:10 26/02/2013 Đại Lan - Kiếm Trần Mộng Sapa
15:54 04/02/2013 Lan Hồ Điệp cánh trắng điểm chấm tím
16:04 28/01/2013 Lan Búa - kỳ hoa dị thảo của Australia
18:34 25/01/2013 Vẻ đẹp đa dạng của hoa lan
11:09 23/01/2013 Nữ hoàng Sheba quyến rũ
10:23 14/01/2013 Cây Vanilla tự nhiên trồng thành công ở Việt Nam
11:35 24/12/2012 những chuyện mê Lan
11:18 24/12/2012 Lan và gốc nho: những mỹ thuật phẩm
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+