Trong bài viết nầy, tôi xin đặt tên cho ba giống phong lan quí hiếm như sau:
• Thứ nhứt: Xà Phát Nữ Thần.
• Thứ hai: Ngô Công.
• Thứ ba: Ái Nương.
Xà Phát Nữ Thần, là giống lan rừng "species" tên khoa học Bulbophyllum medusae, lan mọc từ Thái Lan đến phía tây Malaysia, đảo Sumatra và Borneo thuộc Indonesia. Ở độ cao khoảng 400 mét so với mặt biển, lan mọc trên đá vôi và trên cành cây, hoa nở vào mùa thu cho đến mùa đông, hoa màu trắng giống như tóc bạc hay cây phất trần, lan cần ánh sáng giống như loài Dendrobium hay Cattley
onlyhdwallpapers.com
Loài lan Bulbophyllum có rất nhiều tên Việt, nhưng anh Ngô Long đặt tên: Thiên Dạng Kỳ Lan tên nầy rất hay. Còn giống Bulbophyllum medusae tôi đặt tên Xà Phát Nữ Thần. Theo truyện cổ tích Hy Lạp và Campuchia tên medusae, có nghĩa Nữ Thần Tóc Rắn, nhưng tôi đặt tên Xà Phát Nữ Thần, đây là từ Hán Việt. Chữ phát có nghĩa là "tóc", chữ phát đi kèm với chữ: âm, thanh, tài, tướng v.v... thì lại nghĩa khác, cho nên tôi không thể dùng chữ tóc được, vì nghe không êm tai và tối nghĩa. Đặt tên cho một giống lan tôi thường dùng từ Hán Việt, để góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa Việt Nam. Nhưng không phải từ nào tôi đều dùng từ Hán Việt, có những từ Hán Việt ngày nay trở thành cổ ngữ, khó hiểu tôi không dùng.
Trên thế giới có hai quốc gia mượn các tiếng từ nuớc ngoài khoảng bốn muơi lăm phần trăm, đó là nước Anh mượn từ nước Pháp, và nước Việt Nam mượn từ nước Trung Hoa. Việt Nam còn mượn một số từ của người thiểu số, nhứt là người Mường, và một số nước Đông Nam Á. Ví dụ như từ Cùm Đai, Cùm Chơn của Campuchia, hay ngày nay mình gọi tiếng Khmer, hai từ trên mình biến âm thành Cùm Tay, Cùm Chân. Nói về biến âm tôi xin đưa ra hai địa danh biến âm như sau.
Thứ nhứt: Tống Lê Chân, đây là địa danh của tỉnh Phước Long trước năm 1975, nơi đây cũng nổi tiếng những trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972. Truớc thời Nam tiến của chúa Nguyễn, nơi đây là đất của Vương Quốc Khmer, tên Tunl Lê Chanl. Khi chúa Nguyễn chiếm nơi đây, và biến âm lại với tên Tống Lê Chân.
Thứ hai: Bảy Sào, đây là địa danh thuộc tỉnh Sóc Trăng, nơi đây khi quân của Khmer đang đóng quân, và đang nấu cơm. Bất ngờ bị quân của chúa Nguyễn tấn công, họ khuân nồi cơm bỏ chạy, họ la lên "bay sao bay sao", cơm bị sống, tiếng Khmer phát âm "bay sao". Chúa Nguyễn chiếm được nơi đây biến âm thành: Bảy Sào, điạ danh nầy cho tới ngày nay vẫn còn dùng tên Bảy Sào.
Ngô Công, đây là giống lan rừng tên khoa học Dendrobium dichaeodes, giống lan nầy trong bài trước tôi có kể sơ qua, lan mọc ở độ cao 1500 đến 2500 mét. giống lan nầy thích trồng trên miếng gỗ, nhưng cần độ ẩm, thân dài từ 15 đến 20 cm, hoa từ 6 đến 7 mm, hoa màu hồng, họng hoa màu vàng, trong giống như cây kèn, thân và lá giống con rít "rết". Nên tôi đặt tên Ngô Công, chữ ngô công cũng có nghĩa con rít. Đây cũng là từ Hán Việt, đặt tên lan rít lời văn không phong phú, cho nên tôi chọn tên Ngô Công để đặt tên cho giống lan nầy.
ladyslipper.com
Ái Nương, tên khoa học Paphipedilum darling, "Paph. Madame martinet x Paph. lawrenceanum" lan hài nầy được đăng ký vào năm: 1960, đây là giống lan lai "hybrid". Chữ darling cũng có nghĩa người yêu hay tình nhơn, nếu gọi tình nhân cũng được vì đồng nghĩa, riêng tôi lúc còn nhỏ Ba tôi dạy Hán Việt cho tôi, bắt tôi phải dùng chữ nhơn lâu ngày thành thói quen. Cũng như chữ thọ và chữ thụ đồng nghĩa, nhưng cách hành văn hơi khác, ví dụ: ông đó sống thọ, ông ta hưởng thụ, còn nếu ông ta qua đời, dùng từ ông ấy hưởng thọ, hay cây đó là cây cổ thụ. Cây lan hài Paphipedilum darling, tôi không thể đặt tên tình yêu hay tình nhơn được, hai từ nầy lời văn không phong phú, tôi phải dùng từ Ái Nương đặt tên cho giống lan nầy. Nếu các em các cháu nào thích lan hài, cũng nên tìm mua một chậu, để tặng cho bạn gái mình yêu thích, và xin đừng quên nói với người yêu, "anh xin tặng cho Ái Nương một chậu lan hài".
Tôi xin phân tách chữ Ái và chữ Nương, chữ ái là yêu thương, còn luyến ái là say mê, con người mà không luyến ái thì trở thành nhà tu, còn chữ nương có nghĩa phái nữ. Nhưng chữ nương cũng có nghĩa là người mẹ cao sang, ở quê tôi nhiều người gọi mẹ bằng nương, nhứt là người Việt gốc Hoa.
Đoạn trên tôi có nói đến hai từ hưởng thụ và hưởng thọ, sẵn dịp đây tôi xin giải thích về cách thức lễ bái, tuy hơi lạc đề, nhưng tôi muốn cho thế hệ trẻ sau nầy hiểu. Nếu đi đám tang đàn ông mình cầu nguyện anh linh, còn đàn bà thì cầu nguyện linh hồn, ví dụ: người chết là đạo Phật, trước quan tài có để tượng Phật, người đến lễ bái cùng đạo, trước tiên lạy ba lạy và xá ba xá, đây là lạy Phật. Sau đó lạy hai lạy xá hai xá, rồi quỳ xuống lạy tiếp hai lạy nữa rồi đứng dậy xá hai xá. Tang chủ sẽ biết ông nầy bữa đưa quan tài ra nghĩa địa ông không đến, vì ông ta đã lạy thêm hai lạy cho ngày di quan. Còn ai mà lạy hai lạy, xá hai xá, là biết ngày đưa quan tài ra nghĩa địa ông ta sẽ đến. Quan tài còn để trong nhà chỉ lạy có hai lạy thôi, quan tài để trong nhà vẫn xem hiện diện, khi nào chôn xong về nhà lập bàn thờ mới xem người quá cố, lúc đó bạn bè ở xa đến trể thì lạy bàn thờ ba lạy, cha mẹ còn sống không được lạy ba lạy, chỉ lạy một lạy.
vancouverisawesome.com
Cuối tháng 8 gia đình tôi lại có khách, cô Kim Hương, dượng Chụi và em Thảo, từ Australia qua thăm gia đình tôi, sau đó tôi chở cô dượng và em Thảo đi Whistler. Nơi đây tổ chức thế vận hội mùa đông 2010, từ Vancouver "ven cú vờ" đến Whistler khoảng 120 km, đây là khu trượt tuyết nổi tiếng nhứt thế giới, trên đường đi bên tay phải là vách núi, bên tay trái là biển có những dãy núi mọc nhô lên giữa biển, hồ. Phong cảnh đẹp tuyệt trần, Whistler là một thành phố nhỏ nhưng rất thơ mộng. Mấy ngày sau tôi đưa cô, dượng và em Thảo lên núi Grouse Mountain, lên núi bằng cáp treo, nếu đi bộ nhanh mất 45 phút, còn vừa đi vừa nghĩ mất 3 tiếng, ngọn núi cao 1231 mét so với mặt biển. Trên núi có những show như: nhảy dù bay lượn trên bầu trời biển của Vancouver, coi biểu diễn cưa và chặt cây, show chim biểu diễn, coi gấu Bắc Cực, mua vé đi máy bay trực thăng và xem phim v.v... Đứng trên núi nhìn xuống Vancouver trong tuyệt đẹp, thỉnh thoảng có những áng mây bay qua ngang mặt, làm cho mặt se lạnh, và không khí mát lạnh thấy trong người rất sảng khoái. Trước khi trở về Úc tôi đưa cô dượng và em Thảo đi Hotspring, từ Vancouver chạy về quốc lộ 1 hướng đông bắc, đến Hotspring 134 km mất 1 tiếng 15 phút láy xe. Đây là một thành phố nhỏ nằm sát biển hồ, khu phố mặt nhìn ra biển hồ thật thơ mộng, phong cảnh đẹp kỳ diệu, đến đây vào buổi sáng hơi lạnh nhiệt độ 13 độ C, tất cả gia đình xuống dòng suối nước nóng ngâm chân, thật là thú vị.
Sau 30 năm gặp lại, nay cô gần 70 tuổi trong già đi. Lưỡi kiếm thời gian đã chặt đứt đi tuổi thanh xuân của thuở nào, nhớ thời trước năm 1970 cô là hoa khôi, còn dượng Chụi là trung úy bộ binh, bị sắc đẹp của cô cuốn hút. Nên chàng trung úy trẻ đến cầu hôn, để nhận bản án chung thân với người tri kỷ, đó là nàng Kim Hương vào năm 1971. Tính đến nay đã 41 năm, cô dượng đã có hai con, Khương và Thảo, hai em năm nay ngoài ba mươi tuổi, riêng em Thảo lấy bằng tiến sĩ về thương mại.
Ngày: 26-09-2012 hội hoa lan thành phố Vancouver, BC, Canada. Bắt đầu sinh hoạt trở lại, các hội viên gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm hè nầy có đi đâu không?, có lan gì mới không?, dạo nầy lan tốt không? Kỳ nầy tôi đem chậu lan Den. falconeri, tên Việt do tôi đặt Liễu Trúc Lan đến dự thi, chậu lan của tôi được 5 nhánh có 9 bông, hoa tuyệt đẹp. Tôi đem chậu lan đến dự thi, không khác nào tôi đưa cô gái miền sơn cước, để dự thi với nữ hoàng phong lan xứ người, tôi rất tự tin kỳ nầy cô gái miền sơn cước sẽ thắng nữ hoàng hoa lan của họ. Tôi để Liễu Trúc Lan bên cạnh chậu Cattleya labiata, trước đây tôi cũng nằm trong ban giám khảo, và chưa bao giờ thấy giống Den. falconeri. Khi tôi để chậu lan xuống bàn, họ vây quanh tôi để hỏi về giống lan nầy, giống như vây quanh tài tử nổi tiếng để xin chữ ký, họ hỏi lan nầy mua ở đâu? cách trồng như thế nào? còn hay không chia cho ít nhánh, khi nào thay chậu nhớ chia cho vài cọng. Có người nói chơi lan mấy chục năm, nhưng chưa từng thấy giống lan nầy, họ mê Liễu Trúc lan của tôi vô cùng, cũng giống như trước đây chỉ thấy trong hình, làm cho tôi bồi hồi trước vẻ đẹp của giống lan này, nay tôi quí Liễu Trúc Lan giống như một bảo vật.
Chương trình sinh hoạt 6:30-7:30 tối, hội viên đem lan đến bán, 7:30-8:30 tối Ban tổ chức thông báo hội hoa lan Fraser Valley Orchid Society, sẽ tổ chức triển lãm và bán hoa lan tại thanh phố Langley vào ngày: 20-21 tháng 10-2012, 8:30 ban giám khảo công bố các cây lan trúng giải. Tôi không ngờ chậu Liễu Trúc Lan của tôi trúng 2 giải, giải ban giám khảo và giải hội viên bầu chọn, và 12 chậu khác nhau được giải ban giám khảo chấm, còn cây Cattleya labiata không đưọc giải. Đúng như dự đoán ban đầu, mấy bà Canadian lại chúc mừng tôi, cậu Calvin Wong đến từ tỉnh bang Ontario đem lan đến bán, và thuyết trình cách trồng lan bằng chậu chứa nước, sẵn dịp ban gíám khảo nhờ cậu cho điểm, và công bố các cây lan trúng giải, đến chậu lan của tôi Calvin đưa lên và nói đây là cây lan trúng 2 giải, cây nầy rất đặc biệt và quí hiếm, calvin hỏi chậu lan nầy của ai, tôi giơ tay, Calvin nói đùa xin 1 nhánh nhé, và hỏi tôi cách thức nuôi trồng, tôi trả lời mùa hè tưới nước 1 ngày 2 lần, mùa thu 1 ngày tưới 1 lần, mùa đông ngày tưới ngày nghĩ. Có bà ngồi sau lưng tôi nói, tưới như vậy làm sao đi du lịch được, tôi nói nếu có đi hãy gởi bạn nhờ tưới giùm.
Tôi xin kết thúc bài viết, hẹn kỳ tới tôi sẽ viết bài tựa: Nhựt Nguyệt Kỳ lan.
Trương thái Hòa
15:18 17/03/2014 "Tìm thấy lại" giống hoa lan quý hiếm trên một hòn đảo xa xôi
11:22 28/02/2013 Lan căn điệp vàng
10:10 26/02/2013 Đại Lan - Kiếm Trần Mộng Sapa
15:54 04/02/2013 Lan Hồ Điệp cánh trắng điểm chấm tím
16:04 28/01/2013 Lan Búa - kỳ hoa dị thảo của Australia
18:34 25/01/2013 Vẻ đẹp đa dạng của hoa lan
11:09 23/01/2013 Nữ hoàng Sheba quyến rũ
10:23 14/01/2013 Cây Vanilla tự nhiên trồng thành công ở Việt Nam
11:35 24/12/2012 những chuyện mê Lan
11:18 24/12/2012 Lan và gốc nho: những mỹ thuật phẩm
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+