Hòn non bộ
Những nhà phong thủy dùng bí thuật sử dụng non bộ để yểm triệt hung mạch. Hòn non bộ tuyệt đối không bố trí nơi kiết mạch vì nó làm phá hỏng các mệnh mạch tốt mà ảnh hưởng cho cả địa cuộc. Hòn non bộ cũng không đặt trên các tầng lầu và không đặt trên đường trục mạch vãng lai tâm. Dù cho có các hung mạch xấu ở ngay trên khu trục mạch này nhưng vẫn không được đặt hòn non bộ.
Nguyên lý chế tác non bộ dù theo hình thức nào đi nữa cũng phải tuân theo ngũ hành, phải dựa vào cái gốc căn bản của phong thủy mà biến hóa, mà bố cục theo âm dương tương đồng, không thịnh âm khuyết dương, cũng không thịnh dương khuyết âm. Dương là ban ngày, là sự sống, sự sáng, sự nóng, là mùa xuân, mùa hạ… Âm là ban đêm, là sự chết, sự tối, sự lạnh, là mùa thu, mùa đông. Thiết kế non bộ nơi lồi ra là dương, là núi, là doi… chỗ khuyết vào là âm, là vũng, là vịnh… chế tác non bộ phải dựa vào âm dương ngũ hành để bố trí nơi nào trồng cây, cây lúc nào cũng mọc vươn ra ánh sáng mặt trời gọi là dương – còn màu rêu phong sẩm tối khuất sau mỏm đá, hay một dòng suối róc rách , một cái hang tối đen có lắp chiếc cầu cong cong ngang qua gọi là âm. Như vậy non bộ là tóm thâu cả một bầu trời non nước để thu nhỏ lại trong một khung cảnh giới hạn chừng mực. Do đó muốn chế tác non bộ phải tuân theo quan điểm của phong thủy mà thực hiện chứ không phải muốn làm theo sở thích của mình như thế nào cũng được.
Có nhiều người khéo tay tự làm non bộ, làm nhiều rồi quen tay – và tự nhận mình là nghệ nhân chế tác non bộ - rồi đứng trước tác phẩm của mình thì cà lăm không biết giải trình một lý lẽ nào. Non bộ đâu phải là một cách trang trí đơn thuần, một kiểu làm đẹp ngôi nhà theo cảm tính – mà non bộ là cả một nghệ thuật siêu nghệ thuật của người xưa. Một thú chơi tao nhã của kẻ tao nhân mặc khách. Non bộ nó là cả một bầu trời sáng tác của người thi sĩ – non bộ là biển cả bao la của những dòng tư tưởng triết gia –non bộ nó là chất liệu ngọt ngào, là tình yêu thương, là dòng suối dịu hiền của những con người biết hướng tâm về đấng dưỡng dục sinh thành –non bộ nó làm phát huy tinh thần lãng mạn, tăng trưởng tình yêu quê hương đất nước – và non bộ cũng là chốn an định đưa những vị thiền sư Trung Hoa Nhật Bản vãng lai cõi sắc không mà minh kiến bản lai diện mục.
Nói tóm lại non bộ nó có cái hồn. Cái hồn thâm thúy muốn nói lên tư tưởng của chú nhân với quan điểm của cuộc sống. Và điều quan tâm lớn nhất của phong thủy là đặt vị trí non bộ ở nơi nào để bổ sung âm dương địa cuộc, thông thóang ngũ hành cho căn cơ mà giải triệt hung mạch.
Phong cách thiết kế non bộ, các nhà phong thủy còn phân tích ra các hình thức sau :
Loại hình xây dựng trên khô, được thực hiện với những pho đá san hô, hay đá vôi, và sử dụng các gốc cây khô, cây xương rồng cằn cỗi như cảnh hoang sơ ở vùng sa mạc. Đây cũng là quan niệm non bộ của Nhật Bản hay dùng hình thức này để nhấn mạnh thêm cái phần chân đế tĩnh lặng theo thuyết lý Lão Trang.
-
Thụ mộc cảnh :
Sử dụng cây kiểng là chính, thể hiện cây cổ thụ ở giữa đồng nội, có chú mục đồng, có con trâu gặm cỏ. Hoặc cây cổ thụ có rễ um tùm ở giữa thảo nguyên. Hoặc cây thiên tuế thâm niên, cây lão mai, cây sứ đại… ở giữa đồi cỏ mấp mô, để nơi này sẽ trở thành hoa viên cây cảnh trong sân vườn.
-
Sa thạch cảnh :
Loại hình này thường được thực hiện trên nền cát nhuyễn hoặc những khỏang sân vườn có trải sỏi trắng và sử dụng những pho đá có nhiều hình thù đẹp mắt nói lên những ý nghĩa mà chủ nhân muốn nói để hóa những phiến đá vô hồn này thành những linh hồn.
-
Thủy mộc cảnh :
Thiết kế non bộ theo hình thức này – nhà phong thủy muốn bảo tồn cho thế đất của địa cuộc – không san bằng chỗ cao, không bồi lấp chỗ trũng – mà giữ nguyên thế dáng của đất theo phương truyền « thượng nhất thồn như vi sơn – hạ nhất thốn như vi thủy ». Nghĩa là chỗ cao hơn 1 tấc là núi, chỗ thấp hơn 1 tấc là nước. Thế đất này mấp mô cao cao thấp thấp trồng cỏ non Nhật Bản, phối trí các cây cổ thụ bon sai với những dòng suối nhỏ róc rách quanh co.
-
Thủy thạch cảnh :
Chế tác non bộ theo hình thức này, sử dụng đá và nước là chính, cây là phụ - cách sắp xếp các khối đá tạo nên cảnh hoang sơ hùng vĩ và tạo dòng nước như thác đổ, có nơi phối trí từng giọt rơi rơi như sương sớm, cùng những cây si, cây bon sai nho nhỏ, vị tiều phu gánh củi qua cầu, ngư ông ngồi câu cá, có mái chùa cong cong…
Nhà phong thủy tùy vào địa cuộc mà định vị bố trí hòn non bộ. Tùy vào tuổi tác của chủ nhân mà sử dụng một trong năm hình thức non bộ vừa mới nói ở trên.
Phong linh
Phong linh còn gọi là chuông gió, chuông gió này hiện nay ở các nhà sách, các cửa hàng văn hóa phẩm có bán rất nhiều, khi mua phải chịu khó chọn loại có âm thanh trong sáng, ngân vang, trầm bổng… tránh mua các loại có tiếng chát chói, trầm đục.
Phong linh hiệp hòa giữa chuông và gió để tạo nên một âm điệu của đất trời cỏ cây, của âm dương nhật nguyệt – hài hòa giữa con người với thiên nhiên – hài hòa giữa con người với đất trời. Nhờ có phong linh ta mới nghe được âm điệu – nhờ có âm điệu ta mới thấy được sự hiện diện của gió – nhờ có thấy được gió ta mới nghe được âm điệu của chuông. Cho nên phong linh dẫn ta đi đến cái duy thức về âm dương một cách lý thú tuyệt vời. Như vậy phong linh đã tạo nên được sự tương quan giữa chuông và gió – giữa con người và không gian – giữa sự sống động và sự tĩnh mịch. Từ đây ta có thể khái niệm : - trong một không gian tĩnh lặng là âm – có làn gió nhẹ thóang qua là dương – làn gió này tác động đến một dây chuông đang nằm bất động là âm – để từ đó phát ra thanh vang là dương. Ngay trong thể dương đã hiện diện thể âm thực tại – và từ thể âm thực tại lại sinh hóa ra thể dương sống động mà tạo nên một sự tương dung của đất trời.
Ta cũng có thể suy luận : nếu không có chuông làm sao thấy gió động ? Và nếu không có gió làm sao biết chuông động ? Từ ở chỗ này ta ngộ ra được cái tinh hoa của đất trời là chẳng phải gió động – cũng chẳng phải chuông động – mà do tâm ta động – do tâm thức của con người tác hợp vào ngoại cảnh bao la của vũ trụ để thấy được cái vi diệu của thiên nhiên mà biến hóa – mà vận hành theo sự sinh tồn của nguyên lý âm dương – để từ đây có sự giao liên giữa đại vũ trụ bao la bên ngoài và tiểu vũ trụ thực hữu trong ta – và cũng từ đây tư tưởng của dịch học và thiền học gặp nhau.
(Sưu tầm!)