Trước thềm năm mới 2010, khi được hỏi mơ ước của người trồng hoa hồng Đà Lạt, chị Tuyết Bé ở ấp An Sơn, Đà Lạt thổ lộ: “Giá mà mỗi năm có được cỡ 20 ngày dạng như 14-2, 8-3, 20-11... thì thật là tuyệt!”. Nghề trồng hoa hồng ở Đà Lạt là nghề nhặt từng đồng trong lắm nỗi gian nan.
Người nông dân trồng rau ở Đà Lạt sau ba tháng vất vả vì vụ mùa có thể cho phép mình xả hơi khi thu hoạch xong, nhưng nông dân trồng hoa hồng thì nhọc nhằn hơn nhiều. Tùy thuộc vào thời tiết, dịch bệnh và thị trường, người trồng rau củ “được ăn cả ngã về không”, có thể thu vào vài chục triệu đồng/sào cho một vụ và cũng có thể trắng tay. Nhưng đã chọn trồng hoa hồng là chấp nhận nhặt từng đồng trên từng cành hồng theo chu kỳ cứ hai ngày lại phải thu hoạch một lần, và cứ thế tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Trong vòng xoáy hoa hồng
Buổi sáng. Sau khi nhận được điện thoại từ một chủ vựa hoa ở chợ Hồ Thị Kỷ (TP.HCM), chị Huyền Trân, 38 tuổi, trồng hoa hồng ở ấp Vạn Thành, vội vã cắt bông trong vườn rồi vội vã đưa vào lều đóng gói. Một chiếc xe máy đang chờ sẵn để chở hoa đi giao. “Chúng tôi phải làm quanh năm, ngày tết dường như không có.
Công việc cứ xoay tròn: hôm nay tưới - tỉa cành - rà soát bệnh - bón phân - xịt thuốc - sửa chữa nhà kính hoặc theo chiều ngược lại, ngày mai cắt bông, đóng gói và chờ điện thoại của người đến nhận hàng...”. Đã thế, theo chị Huyền Trân, cây hoa hồng khó tính phải chăm sóc từng chút, lơ là thì vườn cây đổ bệnh; chưa hết, bông trổ nếu không cắt đúng hạn sẽ quá lố ngay, búp lên to không bán được, mà cắt xong đóng gói không kịp cũng sẽ mất giá trị.
Đời người trồng hoa hồng trôi đi theo ngày tháng, kể từ lúc 15 tuổi theo cha mẹ đi trồng hoa đến nay chị đã ở tuổi 38 “nhưng vẫn chưa bước ra khỏi ấp Vạn Thành này được! Người xưa nói “làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơm đứng”, nhưng chúng tôi thì vừa chạy vừa ăn, nghỉ ngơi vào lúc đang... làm việc". Điều chị Huyền Trân vừa nói được minh chứng ngay: bữa cơm trưa của gia đình chị bắt đầu lúc 13g30 sau một buổi sáng tất bật với công việc.
Vài chục năm trước người Đà Lạt trồng hoa hồng giữa trời, nay hầu như các công đoạn của nghề này đều đưa cả vào nhà kính. Ở đó người trồng hoa điều khiển cây sinh trưởng liên tục, không cho nghỉ, bắt cây trổ bông theo ý mình. Thêm một yếu tố khiến phải đưa hoa hồng vào nhà kính trồng vì đất canh tác ở Đà Lạt giờ đã ô nhiễm nặng, đưa cây hoa vào nhà kính để hạn chế bớt dịch bệnh và côn trùng gây hại.
Lão nông kỳ cựu Nguyễn Văn Quĩ ở ấp Vạn Thành không khỏi lo âu bởi “ngày trước trên cây hoa hồng không có con nhện đỏ, bông không dễ bị chai, ít khi bị thâm đen, cây không bị hiện tượng trút lá..., còn nay không hiểu sao đủ thứ bệnh mà toàn bệnh lạ mới chết! Càng nhiều bệnh thì phải đầu tư nhiều hơn phân bón, thuốc trừ sâu, nhà kính..., phải tưới nhiều, chăm cây kỹ hơn”.
Cưỡi lưng cọp
Để có cây hoa hồng phải trồng trước hom cây hường dại làm cây mẹ, chừng 1-2 tháng sau sẽ cấy mầm lấy từ nách lá của giống hoa hồng đã chọn vào cây hường dại và chỉ cho đọt cành của hoa hồng phát triển, ngắt sạch đọt cành hường dại. Những vườn cây ghép theo cách đó sẽ trổ bông từ 4-9 tháng sau; nhưng phải từ năm thứ tư trở đi mới thu hoạch được bông chất lượng tốt và ổn định.
Nông dân tự nghĩ ra cách trồng hoa hồng kể trên chứ không hề được bất cứ cơ quan nông nghiệp nào hướng dẫn. Có người cho biết họ đã phun năm bảy loại thuốc vẫn chưa diệt được con nhện đỏ - thứ côn trùng phá hoại hoa hồng dữ nhất - nên tiếp tục tìm thuốc khác về để trị cho đến khi “gặp” đúng thứ hóa chất khử được nó.
Làm nhà kính cũng vậy. Ai có nhiều tiền thì bỏ ra 75-90 triệu đồng/sào làm nhà có khung giàn sắt. Người không đủ tiền thì dùng cây tầm vông bộ và vải nhựa làm nhà cho cây với chi phí 50-60 triệu đồng/sào. Còn giống hoa? Chắc chắn họ không đủ tiền để mua bản quyền từ các nhà lai tạo giống ở nước ngoài. Thế là cứ xin qua lại của nhau, vườn ra đời sau mua hoặc xin giống của vườn ra đời trước, thậm chí có cả chiêu “chôm” giống của một công ty nước ngoài đang có mặt ở Đà Lạt, bởi “chỉ cần sở hữu được một mầm có thể tạo ra triệu vườn hoa hồng”.
Nhưng cũng vì thế hoa hồng do nông dân Đà Lạt trồng chẳng thể xuất khẩu, đơn giản vì chẳng có nông dân nào, vườn hoa nào có được xuất xứ/bản quyền giống hoa đang trồng. Chỉ còn cách tiêu thụ ở thị trường hoa trong nước, thêm nữa là cho hoa đi đường tiểu ngạch qua Campuchia.
Những người trồng hoa hồng bảo rằng chọn hoa hồng để trồng là hết đường lùi, chấp nhận “cưỡi trên lưng cọp”. Trồng rau cứ 2-3 tháng/vụ và có thể thay đổi sau mỗi vụ nếu thấy loại rau nào có triển vọng thị trường hơn. Nhưng không dễ để ghép mầm hoa hồng trên 1 sào hường dại và cũng không dễ để phá bỏ nhà kính nếu hoa bán không được giá.
Mỗi vườn hoa hồng phải tồn tại có khi đến 10-20 năm. Vườn hoa hồng của nông dân ở An Sơn dù chỉ 1.000m2 nhưng vẫn phải sắm đủ mấy chiếc máy bơm cùng hệ thống điện, nguồn nước để tưới tắm, chăm sóc. Đã vậy người trồng hoa luôn lo lắng từ khi có thông tin hoa hồng Trung Quốc được mùa sẽ tràn qua với giá rẻ như... bèo!
Anh Nguyễn Minh Trung sau nhiều năm trồng hoa hồng ở ấp An Sơn, nay vừa đánh bạo “lên đời” vườn hoa của mình thành một công ty chuyên canh và phân phối hoa hồng, nhưng anh hiểu hơn ai hết nghề trồng hoa đầy sóng gió với những “bi kịch hoa hồng” mà chỉ người trồng mới thấu hiểu.
Những vùng trồng hoa hồng ở Đà Lạt thường nằm ở vùng ven, tập trung nhiều nhất là vùng An Sơn, Vạn Thành... Đi qua những làng hoa, ngày càng nghe nhiều nông dân xì xầm về chuyện đất nông nghiệp sắp thành đất đô thị, khu dân cư và những bảng quy hoạch "treo" đang lơ lửng trên những làng hoa. Anh Trung bức xúc: “Chỗ nào cũng dự án địa ốc, resort... còn đâu chỗ cho nông nghiệp chiến lược, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp sinh thái của xứ bán ôn đới tuyệt vời Đà Lạt này!”.
Những vườn hoa hồng ở Đà Lạt đang ngày càng bị đẩy ra xa hơn, vào trong vùng núi đồi heo hút thiếu điện nước, còn giao thông thì trắc trở. Một người khác cũng trồng hoa lâu năm thở dài: “Đã gọi là vương quốc hoa, thành phố festival hoa thì phải nuôi dưỡng các làng hoa đã định hình, nổi tiếng; phải có kịch bản chi tiết về đường hướng phát triển từng làng hoa, từng loài hoa; có trung tâm lưu trữ giống hoa và trước mắt các cơ quan quản lý nông nghiệp phải có tri thức và hiểu biết về nghề trồng hoa hồng ít ra cũng ngang bằng với nông dân...".
“Ước gì mỗi năm có vài chục cái 8-3!"
Không phải dịp lễ tết mà chính các ngày đặc biệt trong năm như 8-3, 14-2, 20-11... được người trồng hoa hồng Đà Lạt trông đợi nhất. Đầu bảng vẫn là 8-3, khi đó hoa hồng bán ngay tại nhà vườn đã có giá 2.000-3.000 đồng/cành. Nhưng cũng chỉ có vài ngày như thế trong năm, còn lại là những thời kỳ nổi trôi, buồn thảm của hoa hồng.
Thường thì sau ngày 20-11 hoa hồng lại “bèo” đến hết giêng hai, có khi giá bán tại vườn chỉ còn 100-200 đồng/cành dù giá thành đã là 500-700 đồng/cành. “Những lúc ấy tụi tôi ước gì hoa hồng thành... hoa cúc, vì hoa cúc còn được cúng quảy thắp nhang mỗi tháng hai kỳ!” - cô gái trồng hoa Lương Vân ở Vạn Thành than.
Dù biết rõ phương thức “trồng tận gốc, bán tận ngọn” - thu hoạch hoa đóng thùng bán thẳng cho vựa - nhưng người trồng hoa hồng Đà Lạt vẫn thua chủ vựa bởi sản phẩm của họ chỉ được “gửi” và lấy “giá sau” (bán được hoa chủ vựa mới gửi lên Đà Lạt trả tiền cho nông dân với giá họ định ra ở thời điểm đó).
Sau nhiều năm làm ăn với các vựa hoa ở Sài Gòn, nông dân Đà Lạt rút ra được khung ăn chia sau: khi người Sài Gòn mua hoa hồng với giá 15.000 đồng/cành thì nông dân Đà Lạt sẽ được chủ vựa thanh toán với giá 1.500 đồng/cành, nếu họ mua với giá 1.500 đồng/cành tất nhiên người trồng hoa chỉ còn nhận 150 đồng/cành.
Không có mấy người trồng hoa may mắn gặp chủ vựa cho ăn chia ở mức 1,5/10, 2/10; thậm chí người trồng hoa ở khu Đa Thiện còn chọn “đầu ra” an toàn như lời anh Nguyễn Văn Anh: “Chúng tôi chưa đủ bản lĩnh như nông dân Vạn Thành, An Sơn nên đành bán qua thương lái trung gian, lấy “giá chết” cho chắc: 700 đồng/cành quanh năm”.
Thật gian nan để có thể gắn bó với nghề, nhưng “ai đã trồng hoa hồng rồi thì khó bỏ nó lắm, phải chăng đó là nợ nần với cái đẹp!”- chị Đặng Thị Sương, thành viên một đại gia đình có đến bảy hộ trồng hoa ở An Sơn, nói. Đó cũng là cách bày tỏ của Nguyễn Anh, chàng trai từ vùng lúa Cát Tiên lên khu Nguyên Tử Lực ở Đà Lạt trồng hoa hồng được bốn năm nay: “Nếu có thứ cây gì đó mà người trồng ngày nào cũng đều đặn rỉ máu vì nó thì đó chính là cây hoa hồng”.
Hoa hồng truyền thống ở Đà Lạt ngày trước là Hồng phấn, hồng đỏ, hồng bạch giống của Pháp nay các giống Hồng trên gần như biến mất, thay vào đó là hoa hồng Hà Lan: đỏ Hà Lan, vàng cánh sen, vàng ánh trăng, song hỉ, kiss hồng, cam ù ... Diện tích đất trông hoa hồng của nông dân Đà Lạt hiện khoảng trên 135ha trên tổng diện tích 170ha, phần còn lại thuộc các công ty chuyên trồng v à xuất khẩu như hoa Dalat Hasfarm và vài công ty cỡ nhỏ khác.
Năm 1898, người Pháp lập nông trại khảo cứu cay trồng đầu tiên ở châu Á tại suối Dankia trên cao nguyên Lang Bian; trong những loài thảo mộc được thanh tra canh nông người pháp M, Jacquet đưa từ châu Âu sang Đà Lạt trồng có hoa hồng. Năm 1938 tại ấp Hà Đông đã hình thành một làng chuyên trồng rau củ xem canh ít nhiều loài hoa.
Tuy nhiên phải đợi đến một thế kỷ sau, từ những năm 1989 tới nay, nghề trồng hoa hồng mới định hình và phát triển, đồng thời hoa hồng là một trong những loài hoa mang tính hàng hóa cao. Đổi mới và kinh tế thị trường đã tiếp sức cho nghề trồng hoa hồng ở Đà Lạt cũng như nhu cầu chưng hoa hằng ngày ở các văn phòng, công sở và ở các hộ dân tại các đô thị lớn của VN đã giúp người trồng hoa hồng tồn tại được với nghề.
Theo TTO
15:00 12/11/2012 Những chiếc mũ xinh xắn của thiên nhiên
10:23 19/10/2012 Góc nhỏ yên bình của tôi
13:34 12/10/2012 Terrarium - mang không gian xanh vào nhà.
10:55 11/09/2012 Lợi ích cây xanh trong văn phòng
10:57 11/09/2012 Làm sao để biết tác dụng của cây trồng trong nhà?
10:58 11/09/2012 Eva sống khỏe trong văn phòng xanh
10:59 11/09/2012 Điều kỳ diệu của cây trầu bà
11:00 11/09/2012 Những loài hoa ăn được
16:27 03/08/2012 Những cây cảnh trong nhà được ưa chuộng nhất
11:42 03/08/2012 Trồng cây cảnh chống độc trong nhà
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+