Rộng hay hẹp, to hay nhỏ, miễn sao cái mục đích chính, ý nghĩa nhất mà từ ngữ của “vườn” mang lại (là không gian giúp ta được thư giãn sau một ngày làm việc) được sử dụng hiệu quả, ấy là những “công viên, tu viện” kia đã làm đúng chức năng rồi.
Vườn, là phần giáp tường của một cái sân xi măng dùng để chứa xe, bẩy lên một hàng gạch, đổ vào chút ít đất rồi trồng vào đấy một hai loại cây, cây ăn trái cũng được, mà hoa lá cỏ cũng xong. Thế là ta cũng có một miếng vườn.
Vườn, là phần dọc theo lỗi dẫn vào nhà, đặt san sát hàng lô chậu lớn nhỏ, trong mỗi chậu là trồng mỗi loại hoa, khéo tay một chút đã có dãy vườn bốn mùa hoa nở.
Vườn, chạy dọc theo hành lang của mỗi tầng lầu một căn nhà, tô điểm cho mặt tiền của chốn ngụ cư bớt đi vẻ khô khốc của xi măng cốt sắt, chốn đất chật người đông, để hãnh diện khoe với bạn bè mỗi lần họ về đến nhà:”vườn tầng” nhà tôi…
Vườn, còn là lớp cây dài suốt dọc hành lang dãy chung cư, “nhà nào thức ấy”, mỗi nhà mỗi cảnh góp nhau hùn vốn cho trăm hoa đua nở, mà vẫn không làm mất đi cái sở thích của mỗi người. Tôi tạm gọi đó là hình thức của “vườn góp”.
Vườn, có khi lại cao tít tắp trên sân thượng, nơi mà áp lực nước thường bị báo động “yếu”, để khiến chủ nhân no mỗi lần tưới tắm cho cây đều phải thở ra bằng … tai, tự mình an ủi rằng “vườn thượng uyển” này nó bắt buộc ta phải nhớ đến nghĩa vụ… tập thể dục đây mà.
Vườn treo, khi mà “tấc đất là tấc vàng”, đất ở cho người còn hiếm, lấy đâu ra cho cây! Vẫn có đấy, là hàng dãy những giò lan, dạ yến thảo, cây lá kim, lá si… be bé xinh xinh, mà có khi để tránh sự nặng nề của cái chậu, người ta thay bằng những trái dừa khô, gáo dừa hay hồ lô (trái bầu rượu khô). Càng xinh, và nhất là càng thiên nhiên chứ sao! Toòng teeng đong đưa trong gió sớm, mưa chiều , là “lá phổi” của căn nhà, hẳn chủ nhân phải là người biết trân trọng cái lá phổi của mình.
Vườn, đặt giữa giếng trời (phần thông thoáng nhất của một căn nhà, nơi duy nhất không bị bê tông xâm phạm) là cơ hội cho thiên nhiên vào “ở trọ”: một bể cá tự tạo với những chú “cá nước” (hơi uổng vì thiếu mất chim trời) tung tăng bơi lội; một hòn giả sơn hội tụ cả núi sông, hang động, thác, suối róc rách ngày đêm… đôi khi lại thêm cả cánh rừng be bé xinh xinh (Bonsai) mọc kề bên… một diện tích tối thiểu mà có đủ cả mọi ngóc ngách của thiên nhiên, chẳng phải đi đâu xa.
Lại có khi, một góc khuất nhất (mà trong kiến trúc gọi là góc chết), ngay dưới gầm cầu thang chẳng hạn, đặt vào đó một món gì cũng không ổn, vậy mà đặt vài chậu cây dễ sống ít kén chọn như phát tài, vạn niên thanh… lại hóa ra vừa khỏa lấp được góc thừa vô ích vừa tạo ra được cái không gian xanh nho nhỏ bất kể nắng trời, khí đất không bao giờ mon men tới đuợc! Một “góc vườn” (hay hốc vườn) là ý chỉ những “đầu thừa đuôi thẹo” của căn nhà, vậy mà có khi đem lại lợi ích nhiều hơn chúng ta tưởng đấy.
Một “mảnh vườn” ở xung quanh căn nhà, dù mảnh vườn ấy chỉ là những chậu cây to đùng (với thực vật cảnh được trồng gò bó một cách nhân tạo) đặt rời rạc, rải rác khắp nơi trên cái nền đất đã bị bịt kín bằng xi măng, dẫu sao vẫn còn chút mềm mại hơn là xơ cứng với bao tảng bê tông. Ấy có thể chủ nhân ngôi nhà (và mảnh vuờn kia) còn luyến tiếc thiên nhiên chút đỉnh, không nỡ bê tông hóa hết phần đất mình đang sở hữu, nhưng lại không hề muốn đám cỏ dại (hễ có đất là có cỏ mà) tung hoành dọc ngang trong khuôn viên của mình, như là chốn không người.
Hạnh phúc nhất vẫn thuộc về những chủ nhân sở hữu một thửa vườn đúng nghĩa: ngôi vườn (như một ngôi nhà vậy). Một ngôi vườn là một mảnh vườn có diện tích có khi lớn hơn cả ngôi nhà, và bao bọc ngôi nhà ấy quanh năm bằng bóng mát của cành và lá, bằng hương thơm của hoa, bằng sắc màu rực rỡ nhiều chủng loại, bằng cây trái bốn mùa thay nhau cung cấp, bằng những món rau xanh ăn hoài không hết, “cây nhà lá vườn”, mùa nào thức ấy, vừa thưởng thức bằng mắt, bằng tai lại vừa nhâm nhi bằng khẩu vị, lòng hân hoan vì chẳng bao giờ bị ám ảnh bởi bao nhiêu cái gọi là: ô nhiễm thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hay năng suất cây trồng…. sống giữa một khu vườn yên tĩnh, suốt ngày chỉ nghe tiếng chim và tiếng lá, tiếng gió hay tiếng mưa, thảng hoặc là tiếng trái rơi chạm nhẹ vào nền đất… thì không còn gì sung sướng bằng.
Chăm sóc vườn tược lại là một cái thú khác. Bắt sâu, tỉa lá, tưới tắm cho vườn để chuyện trò cùng lá cây (câu hát của Trịnh Công Sơn), há chẳng phải là một thú vui tao nhã ư? Làm vườn, chăm bón cho no, rồi vườn sẽ đền đáp ơn người: sáng ra hoa nở rực rỡ, đêm đến huơng tỏa ngất trời, quanh ta luôn được ướp bởi tinh hoa kết nụ của đất trời.
Hãy cố gắng, khi về già thụ hưởng được một chút vườn, nho nhỏ cũng được, để được biết thế nào là lộc của thiên nhiên. Và ngay khi người ta còn trẻ, còn bận rộn với việc mưu sinh cơm áo gạo tiền, cũng nên chuẩn bị cho mình một ý nghiã (luôn đúng mọi thời đại): về vườn.