Kiến trúc xanh đã phát triển ở nhiều nước phương Tây và đã đem lại những giá trị tích cực mà nhiều nước phát triển sau cần phải học hỏi.
Khi con hổ biến thành mèo hen
Vào những năm 1997-1998, khi những “con hổ” châu Á rền rĩ vì nợ nần thì ở cách xa vạn dặm, hòn đảo sương mù Ireland lại rộn ràng với cơ hội mới: Đất nước nông nghiệp với khoai tây là sản phẩm truyền thống trở thành nơi thu hút cực mạnh đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin và dược phẩm. Người Ireland nói vui là từ “khoai tây chiên ròn– potato chips” chuyển thẳng sang “máy tính điện tử - computer chips”.
Giai đoạn 2002-2004, từ vị thế “người hàng xóm nghèo khổ” của nước Anh, Ireland với 4 triệu dân, đã có GDP gấp 1,5 lần GDP của Anh quốc (36.360 USD/26.150 USD). Chín trong 10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới, 16 trong 20 tập đoàn sản xuất thiết bị y tế lớn nhất thế giới, 7 trong 10 công ty phần mềm lớn nhất thế giới có mặt tại Ireland. Cả nước là công trường lớn, nhà cửa đường sá, cầu cống... Từ năm 1997 đến 2007, giá BĐS tăng gấp 4 lần.
Con đường cũ bền chắc và những xa lộ rộng lớn... nhưng lãng phí trên đất nước có 4 triệu dân.
Cho đến năm 2008, kinh tế toàn cầu suy thoái, bong bóng BĐS nổ tại Mỹ, các tập đoàn công nghệ rút đi, thị trường lao động và BĐS sụt giảm, rắc rối tài chính tràn lan. “Con hổ Celtic” – biểu tượng của nền kinh tế phát triển nóng Ireland biến thành chú mèo hen chỉ sau một đêm bẽ bàng.
Tháng 10/2011, khắp nơi ở Ireland đều thấy biển “bán và cho thuê” nhà ở, kho tàng, văn phòng, trung tâm mua sắm, có cả khu đô thị đóng cửa vắng tanh, giá BĐS chỉ còn 50% không ai mua. Đi trên những con đường lớn gấp cả chục lần trước đó, nhiều người xót xa “lãng phí quá, nếu biết nợ nần thế này thà giữ lại những con đường nhỏ những cây cầu cũ nhưng vẫn bền chắc như xưa còn hơn”.
Nhiều bạn Ireland nhắc nhở chúng tôi: “Các bạn Việt Nam thận trọng nhé, hãy dừng lại trước khi quá muộn, các bạn tới đây và cảm nhận hậu quả tai hại cuộc đầu cơ BĐS quá đà của chúng tôi mà tránh mắc phải sai lầm tương tự”.
KTS.O’ Brian với những tác phẩm kiến trúc Xanh
Ghé thăm xưởng thiết kế của KTS.O’ Brian, người xem không khỏi ngỡ ngàng trước ngôi nhà văn phòng ốp tre, trang trí bằng tre nứa. Những cây tre này do một nhóm nghệ sĩ Trung Quốc mang từ Thượng Hải sang, dựng một dàn giáo lớn, đặt ngay tại quảng trường trung tâm Dublin. Tác phẩm sắp đặt mô tả nạn đầu cơ bất động sản vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Ireland - những dự án khổng lồ có số phận mong manh như dàn giáo bằng tre trước dông bão vậy.
Văn phòng của vị KTS có tường giữ nhiệt bằng vật liệu địa phương, có các ống phân loại rác như chai nhựa, thủy tinh, giấy vụn... Nhưng ấn tượng hơn cả bởi những chi tiết bằng tre đã nhắc nhở sâu sắc về hậu quả của việc đầu cơ bất động sản tràn lan đã làm suy yếu cả nền kinh tế đất nước, khiến mỗi người dân Ireland đều phải đối mặt với những khó khăn hiện tại.
Công ty Kiến trúc Sinh thái Solearth, KTS. O’ Brian bên ngoài tòa nhà. Ngôi nhà ốp những cây tre đem đến từ Thượng Hải. Một hốc tường với 3 ống thu rác thải phân loại tại nguồn.
Làng sinh thái Tipperary do KTS.O’Brian chủ trì cách thành phố 40km, Dự án trình bày dùng rất ít bản vẽ kiến trúc mà chủ yếu dùng biểu đồ và các bảng tính toán. Ví dụ với mức độ tiêu dùng của những nước giàu cần đến 3 trái đất mới đủ nguồn vật chất, tài nguyên đáp ứng, so với sự tiết kiệm của người Ấn Độ, tiêu dùng tài nguyên chỉ bằng 1/10 những nước phát triển... Dự án truyền đi thông điệp không lấy đi những gì tự nhiên đang có tại địa điểm thực hiện. Để mở một lối vào từ một thị trấn cổ kính, phải chạy qua một quán rượu – vốn là hình ảnh đặc trưng sinh hoạt cư dân địa phương... KTS đã khéo léo quay ngôi nhà một góc vuông để cái mới cũng chỉ là tiếp nối cái xưa cũ vốn có.
Cánh đồng và những ngôi nhà trong thị trấn cổ được bảo tồn. Dự án Làng sinh thái Tipperary
Khu đất vốn là vùng ruộng trũng, có mương nước, bãi cỏ lau và những thửa ruộng vườn cây… Việc xây thêm vài chục căn nhà tại đó chỉ là sự xắp xếp cho phù hợp. Diện tích ngập nước được giữ nguyên. Rừng lau lách có thêm chức năng lọc nước thải. Nhà ở trong dự án do chủ nhà tự thuê thiết kế và xây dựng, chỉ cần tuân thủ các tiêu chí về sinh thái theo quy hoạch... Vì vậy, hình thức các ngôi nhà rất đa dạng, tiết kiệm chi phí xây lắp. Dự án phát triển nhanh ngay cả khi thị trường BĐS Ireland sụp đổ, giá nhà chỉ còn một nửa. Điều đó minh chứng kiến trúc Xanh có sức sống ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
Những chủ nhân các căn nhà trong dự án không chỉ chọn một nơi chốn nương náu mà họ chọn lối sống cộng sinh giữa con người với thiên nhiên. Duy trì mối liên hệ của hiện tại với quá khứ và tất nhiên với tương lai thân thiện , mọi sự vật nương nhờ mà gắn kết bền vững... Đó chính là niềm tin của KTS.Brian: “Các tòa nhà và các thành phố nên được thiết kế tựa như một hệ thống sinh học trong đó những can thiệp được mô phỏng chu trình sinh học tự nhiên.”
Trần Huy Ánh
Ảnh của tác giả và KTS. O’Brian cung cấp
Tags: thiết kế sân vườn
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+