Bây giờ cụm từ “ Kiến trúc xanh” đã trở nên quen thuộc ở nước ta. Đâu đâu cũng nói tới Kiến trúc xanh, từ các cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các học giả, các nhà quản lý, cho đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Đây là một điều đáng mừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp trên hành tinh của chúng ta, mà theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc, nếu không có các biện pháp hữu hiệu để đối phó với thiên tai, thì vài chục năm nữa Việt Nam sẽ là một trong số ít các nước chịu thảm họa tàn khốc nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Vậy Kiến trúc xanh là gì? Có nhiều khái niệm về kiến trúc xanh, nhưng có thể hiểu một cách giản dị thế này: Kiến trúc xanh là kiến trúc được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường; hài hòa, không phá vỡ cảnh quan chung quanh; gắn bó con người với thiên nhiên; không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa năng lượng hóa thạch, nước sạch…
Kiến trúc xanh được nói đến vào thập niên 80 của thế kỷ trước cùng với khái niệm phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề xướng và nay kiến trúc xanh đã trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại thế giới. Ở Việt Nam, Kiến trúc xanh được biết đến vào những năm đầu của thế kỷ 21, mà công trình kiến trúc độc đáo bằng tre “Café Gió và nước” của KTS tài năng Võ Trọng Nghĩa, người đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc xanh danh giá trong nước và quốc tế, là một sự khởi đầu có tính đột phá. Tháng 4 năm nay, lần đầu tiên Giải thưởng Kiến trúc xanh ViệtNamdo Hội KTS ViệtNamđề xướng đã nhận được sự ủng hộ của giới KTS và cộng đồng xã hội. 11 công trình đã được chọn trong số vài chục công trình kiến trúc tham dự để nhận giải thưởng công trình Kiến trúc xanh 2012. Kết quả này cho thấy kiến trúc xanh đã và đang hiện diện, được xã hội đón nhận, cho dù còn hiếm hoi trong đời sống của chúng ta.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, một nước nghèo trong khu vực và trên thế giới, công nghệ xây dựng còn chậm đổi mới và hiện đại hóa, thì việc tìm ra và tôn vinh các công trình Kiến trúc xanh cũng mới chỉ là sự động viên, khích lệ và nặng về định tính. Kiến trúc xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh .Để thực hiện nó phải hội tụ rất nhiều yếu tố từ sử dụng vật liệu xanh, công nghệ xanh trong công trình cho đến vốn đầu tư. Tất cả những điều đó đòi hỏi một sự đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức và trong định hướng phát triển kiến trúc –quy hoạch của KTS, của chính quyền các cấp và đặc biệt là sự đồng thuận góp sức của cộng đồng. Bởi vì một cánh én không làm nên mùa Xuân!
Ngày hôm nay, trên khắp các công trường xây dựng, chúng ta vẫn đang cần mẫn xây hàng trăm, hàng ngàn ngôi nhà từ thấp tầng đến cao vài chục tầng bằng gạch nung, bê tông cốt thép, kính và các vật liệu truyền thống. Trong các đô thị, không gian công cộng, không gian xanh như công viên, cây xanh, mặt nước đang ngày bị thu hẹp và lấn chiếm một cách thô bạo. Kinh tế thị trường nghiệt ngã lấy lợi nhuận là mục đích tối thượng đã biến con người trở nên vô cảm, xa lạ, ích kỷ với đồng loại và đối chọi với tự nhiên. Những chung cư cao tầng với các căn hộ bịt kín bằng tường bê tông và kính để chạy máy điều hòa nhiệt độ trở nên xa lạ với khí hậu nhiệt đới gió mùa của nước ta, đang làm cho con người sống trong đó trở nên bức bí và cô độc. Trong các con ngõ, con phố chật hẹp của khu vực nội đô, con người đang phải sống chen chúc trong các ngôi nhà ống thiếu thốn ánh sáng, gió và khí trời. Trên đường phố giao thông hỗn loạn bởi dày đặc ô tô, xe máy. Bầu không khí bị ô nhiễm nặng nề. Chất lượng sống trong đô thị đang bị suy giảm. Đó là thực tế buồn!
Chúng ta đang hướng đến một nền kiến trúc xanh Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu phù hợp với xu thế chung của dân tộc, của thời đại. Và đó cũng là giải pháp tích cực nhất, hiệu quả nhất để hạn chế những thiệt hại mà biến đổi khí hậu có thể gây ra. Thế giới hôm nay đang nỗ lực xây dựng kiến trúc xanh và cả giao thông xanh vì một môi trường xanh. Rất nhiều thành phố của các nước đang phát động phong trào ngày không khói xe. Xu hướng sử dụng giao thông công cộng và xe đạp đang trở nên phổ biến ở các nước châu Âu. Người Đức tự hào về hệ thống đô thị vừa và nhỏ với những con đường ngắn. Chúng ta tuy còn rất vất vả với giao thông lạc hậu, cũ kỹ và không an toàn, nhưng chúng ta cũng đang quyết tâm xây dựng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại với phương tiện giao thông tiên tiến như tầu điện ngầm, tầu điện trên cao. Và biết đâu, giao thông thủy sẽ lại trở về trong thành phố ngàn năm tuổi này, khi các dòng sông trong thành phố như sông Lừ, sông Sét, sông Tô Lịch, Kim Ngưu… được hồi sinh, trong xanh và lãng mạn như thủa nào. Có thể những điều đó thế hệ hôm nay chưa thực hiện được trọn vẹn, thì ngày mai con cháu chúng ta sẽ được hưởng thụ và tiếp tục dựng xây, bồi đắp.
Câu chuyện về Kiến trúc xanh không có gì to tát, hàn lâm kinh viện như ta đã từng đọc được ở đâu đó, mà nó thật giản dị, đời thường như cuộc sống cần nước, cần ánh sáng, gió và khí trời vậy. Một hay vài chục công trình Kiến trúc xanh đơn lẻ mãi mãi chỉ là những ví dụ. Còn để làm nên một tuyến phố xanh, một không gian xanh, một đô thị xanh, một thành phố xanh, phải là một cuộc cách mạng xanh với sự tham gia, đồng hành của cộng đồng, của toàn xã hội. Và chỉ có thế, Hà Nội- thành phố thân yêu này mới thực sự phát triển bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau./.
KTS Phạm Thanh Tùng
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+