Trước những thách thức toàn cầu, khái niệm xây dựng công trình thân thiện môi trường chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Làn sóng xây dựng các công trình theo tiêu chí “bền vững, xanh” hoặc gọi theo cách khác là “công trình thân thiện với môi trường” đã đến Việt Nam theo những khái niệm mới.
Vật liệu xanh, công nghệ xanh
Trước đây, khái niệm công trình thân thiện với môi trường được hiểu sai lệch. Sai lệch lớn nhất là hiểu khái niệm xanh chỉ là phạm trù “đạo đức” trong sự phát triển xã hội. Ngày nay, đứng trước những thách thức toàn cầu, khái niệm xây dựng công trình thân thiện môi trường đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mọi xã hội. Hay nói cách khác, nó là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Các nước phát triển đã ý thức rất lâu rồi khái niệm bảo vệ môi trường sống khi xây dựng các đô thị. Khái niệm xanh được hiểu là muốn xây một công trình xanh phải sử dụng vật liệu xanh, công nghệ xanh.
Vật liệu xanh là vật liệu ít thải khí carbon ra môi trường, ít sử dụng năng lượng hóa thạch. Công nghệ xanh là công nghệ tiết kiệm điện và nguồn nước, hạn chế thải chất thải ra môi trường. Ở Đức, Pháp, các nhà máy dù không muốn cũng phải đặt trên nóc hệ thống lấy ánh sáng mặt trời làm năng lượng.
Ở nước ta, ngày nào khía cạnh này chưa được hiểu là khía cạnh “làm ăn” thì vẫn còn tiếp tục tàn phá môi trường vì kinh doanh. Ngay cả khi khai thác sự “yêu thiên nhiên” của con người để làm du lịch, người ta cũng tàn phá cái họ đang khai thác.
“Yêu thiên nhiên” không đúng cách
Thử làm một tour du lịch về Nha Trang, ghé thăm các khu du lịch hoành tráng ở những hòn đảo được xem là đẹp nhất Đông Nam Á để chiêm nghiệm cách người ta thưởng thức thiên nhiên. Người ta bạt nhiều ngọn đồi, xây kè bê tông, xây núi giả bằng xi măng cốt thép kiên cố. Người ta đưa du khách đến để tham gia vào quá trình xả rác ở những hòn đảo xa bờ khiến bên trong những hòn đảo này có những núi rác khổng lồ không biết xử lý cách nào.
Một góc Mango Bay – Eo Xoài Phú Quốc – công trình được trao giải. “Công trình xanh Việt Nam năm 2012” của kiến trúc sư Dương Hồng Hiến. Ảnh: C.T.V
Hoặc làm một tour về Mũi Né Phan Thiết để hiểu người ta “yêu thiên nhiên” đến mức nào khi mà bờ biển cát trắng với bãi tắm đẹp nhất khu vực đã được “thưởng thức” theo kiểu các khu du lịch nằm san sát nhau với mái ngói chen mái lá, tường gạch chen tường đá; nhà hàng, khu tắm hơi, nhà giặt mọc lên như nấm.
Môi trường xử lý chất thải lỏng và rắn được xử lý theo nhiều cách khác nhau, tùy ý thức từng chủ đầu tư. Môi trường ở đây bị hủy hoại bởi chính những người đến thưởng thức nó. Và còn nhiều nơi nữa ở khắp đất nước như chùa Hương, Kẻ Bàng, Hà Tiên, Hội An… đều đang “co rúm” chào đón cái chết dần mòn do con người tác động vào sự phát triển của nó.
Tăng trưởng thay vì trang sức
Khu Du lịch Mango Bay – Eo Xoài Phú Quốc là một công trình được trao giải thưởng “Công trình Xanh Việt Nam 2012”. Để xây một công trình ở Phú Quốc, giá thành cao gấp 3 lần so với đất liền do tăng phí vận chuyển nguyên vật liệu, vì vậy, người ta phải tìm giải pháp sử dụng vật liệu tại chỗ: tường đất nện, đá, gỗ, mái lá và rất ít xi măng.
Gạch nung không sử dụng vì thải CO2 vào môi trường, thiết bị vệ sinh được đúc tại chỗ bằng khuôn đất sét và đá mài, nền nhà sử dụng đá mài… Nước nóng dùng năng lượng mặt trời, hệ thống nước thải sau khi được xử lý ở hầm tự hoại sẽ được đưa vào hệ thống ống xương cá rải đều dưới mặt đất tự thấm… Thiên nhiên ở đây hoàn toàn được giữ nguyên, không cây nào bị chặt, cỏ mới không trồng, lối đi là đường mòn. Vậy mà giá một phòng cho khu khách sạn này tương đương giá phòng 4 sao và luôn đông khách.
Tác giả thiết kế, kiến trúc sư Dương Hồng Hiến chia sẻ: Sự thông hiểu lẫn nhau giữa chủ đầu tư và khách hàng, giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư, giữa kiến trúc sư và vùng đất, đã tạo nên một công trình bền vững trong kinh doanh lẫn đời sống của chính công trình. Bằng chứng là sau gần 10 năm, công trình vẫn không suy suyển và lượng khách ngày càng đông.
Như vậy, ở một tương lai gần, khái niệm kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững hay kiến trúc thân thiện môi trường không còn là khái niệm dùng để “trang sức” cho các dự án phát triển đô thị nữa. Nó chính là mục tiêu tăng trưởng của các ngành nghề trong xã hội có liên quan.
5 tiêu chí
Giải thưởng “Công trình Xanh Việt Nam năm 2012” đưa ra 5 tiêu chí gồm: Địa điểm bền vững, môi trường bên trong có chất lượng, sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả, hòa nhập môi trường nhân văn và kiến trúc hiện đại, có bản sắc để trao cho các công trình xây dựng tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+