Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang gây sức ép lớn lên hệ sinh thái và môi trường sống. Trong quá trình quy hoạch và xây dựng các đô thị, nhiều rừng cây, thảm cỏ, ao hồ và sông ngòi bị biến mất. Thay cho các bề mặt tự nhiên là bề mặt của các công trình xây dựng, giao thông làm cho nhiệt độ trong các đô thị tăng cao, gây ra sự nóng bức, ngột ngạt. Bên cạnh đó, trong quá trình sống, các loại chất thải rắn – lỏng – khí được con người xả ra môi trường tự nhiên, làm cho môi trường trong các đô thị bị biến đổi, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và còn làm tổn hại đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Trong bối cảnh đó, khái niệm “Kiến trúc xanh” (Green Building) đã xuất hiện như là hoạt động đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất của lĩnh vực xây dựng để ứng phó với sự biến đổi khí hậu và đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái.
Kiến trúc xanh, theo hệ thống tiêu chí đánh giá đòi hỏi các giải pháp, đề xuất phải thỏa mãn các yếu tố như: Giảm thiểu sử dụng năng lượng, khai thác tối đa tiềm năng các nguồn năng lượng sạch; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm bên ngoài và làm tổn hại môi trường; giảm thiểu ô nhiễm bên trong và làm tổn hại sức khỏe.
Triển vọng phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam
Theo PGS.TS.KTS Nguyễn Minh Sơn – Chủ nhiệm bộ môn Kiến trúc nhiệt đới và Kiến trúc cảnh quan, ĐH Kiến trúc Hà Nội: “KTX được sinh ra không chỉ bởi sự chống trả những biến đổi bất thường của thiên nhiên như: Hạn hán, lũ lụt… mà đó còn là sự tìm kiếm và theo đuổi về chất lượng và tiện nghi cuộc sống, mà nếu thành công thì sự phát triển KTX sẽ mang lại lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội”.
Nếu lật tìm về quá khứ, với triết lý con người luôn sống nương tựa vào tự nhiên, hòa nhập chứ không đối chọi với tự nhiên và trên cơ sở thích nghi cao với các điều kiện tự nhiên, ông cha ta đã có nhiều giải pháp kiến trúc độc đáo, có tính linh hoạt cao và phù hợp với nhiều điều kiện khí hậu. Chính vì thế, không gian kiến trúc trong ngôi nhà Việt xưa thường là không gian mở, giao hòa với thiên nhiên mà vẫn đảm bảo tốt cho sức khỏe con người. Chính quan điểm này cũng tương đồng với các tiêu chí của một nền KTX hiện đại.
Với góc nhìn hiện đại, trong những năm qua, tình hình xây dựng ở các đô thị mạnh mẽ theo đà tăng trưởng của kinh tế. Tuy nhiên, như các nước đang phát triển, một vấn đề đang diễn ra là quá trình xây dựng có những tác động tiêu cực đến văn hóa và môi trường. Công nghệ và vật liệu truyền thống bị chối bỏ, các sản phẩm và vật liệu nhập ngoại đắt tiền được ưa chuộng hơn, đôi khi không hề tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, môi trường khí hậu ở Việt Nam đã có những thay đổi đáng báo động: Bão lũ, ô nhiễm môi trường nước, hiệu ứng nhà kính…
Do các tác động trên, cùng với trách nhiệm và quyền lợi, việc nhận thức và áp dụng KTX là một công việc mang tính cấp thiết. Với mục tiêu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, KTX cần đảm bảo tiêu chí: Sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm và nguồn năng lượng ấy có thể tái tạo được.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng, cần chú ý bảo tồn tài nguyên thiên nhiên cũng như trân trọng những gì thuộc về thiên nhiên như: Cây xanh, nguồn nước… Chỉ có như thế, KTX mới phát huy hiệu quả và trở thành một động lực và tiền đề cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
An Dương – Theo Báo xây dựng
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+