Grosssedlitz Garten nằm cách trung tâm thành phố Dresden gần 20 km về phía đông nam. Gọi là vườn nhưng nên hiểu Grosssedlitz Garten là một công viên vì quy mô và diện tích của nó rất lớn. Sự kết hợp giữa phong cách baroque Pháp và Ý đã làm Grosssedlitz Garten trở thành một kiến trúc vườn độc đáo không nơi nào có được.
Những bờ giậu thẳng tắp được cắt xén độc đáo - Ảnh: Hoàng Khang
Vườn Grosssedlitz được nhà thiết kế Johann Christoph Knoeffel xây dựng theo yêu cầu của bá tước vùng Wackerbarth, August Chrsitoph. Vườn thượng hoàn thành năm 1720 với sự phục vụ của khoảng 1.000 lính trong quân ngũ. Đến năm 1723, vua August đã mua lại vùng này. Và kể từ đó, Grosssedlitz được xem như là một “vườn thượng uyển” của hoàng tộc August hùng mạnh.
Với sự đầu tư của hoàng gia, vườn hạ được hoàn thành sau đó vào năm 1727, kết hợp vườn thượng, lâu đài, cùng với nghệ thuật trang trí từ cây kiểng, hoa và các tác phẩm điêu khắc tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo cơ bản được lưu giữ cho đến nay. Theo một số tài liệu thì hiện nay diện tích của vườn còn lại khoảng 12 ha.
Lối vào chính diện là một bancông cao với hai cầu thang uốn lượn đi xuống vườn - Ảnh: Hoàng Khang
Vườn thượng và lâu đài nơi nghỉ chân của vua quan - Ảnh: Hoàng Khang
Vườn thượng uyển Grosssedlitz là một trong ba công trình đặc sắc phục vụ các sự kiện lớn và lễ hội theo nghi thức hoàng gia của xứ sở đại bàng trắng Ba Lan (August là vua Ba Lan thời bấy giờ), cùng với lâu đài săn bắn Moritzburg và lâu đài baroque phương Đông Pillnitz.
Từ sau năm 1732, do tình trạng sức khỏe yếu và việc đi lại từ Ba Lan về vùng Sachsen xa xôi, nhà vua không đầu tư nhiều cho xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó vườn vẫn chưa được hoàn thiện theo như thiết kế ban đầu. Vì thế, người dân ở đây còn gọi sự kết hợp này là một bản giao hưởng chưa hoàn chỉnh của phong cách vườn nghệ thuật baroque.
Nhà vua August hùng mạnh lấy ngày 3-8 để tổ chức lễ hội lớn nhất của Ba Lan - theo ngày đặt tên thánh của ông - và tất cả hoạt động vẫn được duy trì cho đến năm 1758. Trong thời kỳ kế tiếp, quân đội Phổ chiếm đóng, rồi đến quân đội Áo đã làm cho vườn bị tàn phá nặng nề. Trong đó, cuộc chiến tranh xung đột của quân đội Nga và Pháp vào năm 1813 là lần cuối cùng. Sau đó, mặc dù trải qua nhiều chủ sở hữu, vườn từng bước được phục hồi theo đúng phong cách baroque nguyên thủy vốn có. Nếu xét về vẻ đẹp và tráng lệ thì khu vườn không thể so sánh với các vườn phong cách baroque khác ở Đức hoặc Pháp. Nhưng về sự đa dạng và tính độc đáo của kiến trúc, văn hóa thì vườn Grosssedlitz xứng đáng được xem là một công trình nghệ thuật tầm cỡ thời hậu baroque. Hơn 400 chậu hoa kiểng trong đó bộ sưu tập cam đắng lớn nhất (150 chậu) có nguồn gốc Ý, được trưng bày ở các bậc thềm của vườn thượng và vườn hạ trong suốt mùa ấm áp, tạo nên nét đặc biệt độc nhất ở đây. Những tháng lạnh, những cây cam đắng này được đưa vào nhà kính với chế độ chăm sóc đặc biệt. Với những lối đi và bậc thang rộng, các đài phun nước, tầm nhìn rộng, bờ giậu cây xanh được cắt tỉa tỉ mỉ và 64 tượng điêu khắc bằng sa thạch trang trí khắp khuôn viên vườn, du khách có cảm giác như đang thưởng thức lễ hội giữa bạt ngàn màu xanh núi rừng, lâng lâng với cảm giác tận hưởng và như được tôn vinh, tán tụng giữa một quần thể kiến trúc khoáng đãng. Lễ hội lớn nhất hằng năm của Ba Lan được tổ chức vào ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 8 nhằm tôn vinh và làm sống lại một phẩm cấp cao quý, đó là tước hiệu xứ Đại bàng trắng Ba Lan (Polish White Eagle Order) - một sự kiện cao quý và hào hùng trong lịch sử được chính nhà vua August hùng mạnh ban tặng ở vườn Grosssedlitz. Hiện nay, tước hiệu này vẫn còn là một phần thưởng cao quý nhất ở Ba Lan.
Toàn cảnh khu vườn hạ với nhiều chậu cam đắng đặc trưng - Ảnh: Hoàng Khang. Đến đây, du khách không chỉ thưởng ngoạn vẻ đẹp độc đáo nên thơ của vườn mà còn được tham quan, học hỏi cách bảo tồn một khu vườn baroque mẫu mực bậc nhất, cũng như khám phá bí ẩn của một thời kỳ lịch sử thăng trầm trong khoảng 300 năm kể từ khi thành lập. Nếu bạn đam mê kiến trúc nghệ thuật vườn , muốn có một không gian thưởng ngoạn ngoài trời thì nơi này xứng đáng là một điểm du dịch trong chuyến tham quan
Lối đi rộng rãi với các bờ giậu thẳng tắp - Ảnh: Hoàng Khang
Hướng nhìn từ hồ băng lên vườn thượng, với hệ thống đài phun nước xung quanh - hứa hẹn những mùa đông hấp dẫn - Ảnh: Hoàng Khang
Tượng sa thạch đặc trưng ở các vườn baroque - Ảnh: Hoàng Khang
Tượng nhân mã có mặt ở hầu hết các công trình thời Trung cổ - Ảnh: Hoàng Khang. Theo: VÂN QUỲNH - HOÀNG KHANG (TTO)
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+