Một câu hỏi lớn đặt ra là có khi nào những đô thị lớn như TP.HCM sẽ mất hết những mảng không gian xanh tươi, những thị dân phải sống trong khối bê tông xám xịt, ngột ngạt? Dù chẳng ai dám đứng ra để trả lời câu hỏi đó, thế nhưng thực tế đang diễn ra cũng cho chúng ta thấy được cơn lốc đô thị hóa đang dần “nuốt chửng” những mảng xanh của TP.
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM vừa “bóc” ra hàng loạt dự án kinh doanh bất động sản biến đất dành cho công viên, cây xanh thành đất nhà ở, văn phòng làm việc, bãi giữ xe…Tuy nhiên, vì sao bây giờ mới phát hiện và các vụ vi phạm lại nhiều đến như vậy?
“Đánh cắp” mảng xanh thành phố
Theo kết quả công bố của đoàn kiểm tra liên ngành TP.HCM, trong 55 dự án ở các quận 7, 9, 12 và Bình Chánh đã phát hiện tới 15 dự án làm sai quy hoạch, “ăn bớt” diện tích mảng xanh. 17 dự án chưa xây dựng mảng xanh. Còn lại là 16 dự án vẫn bỏ trống chưa xây dựng.
Những mảng xanh thuộc các dự án là diện tích dành cho cây xanh, thể dục thể thao, làm công viên… để đảm bảo lợi ích, chất lượng, môi trường sống của cộng đồng. Dù biết những phần không gian đó vốn dĩ là để cho lợi ích của toàn xã hội, nhưng các chủ dự án chẳng ngần ngại “thẳng tay” biến lợi ích của cộng đồng thành lợi ích cho riêng mình.
Một công ty có tên trong bảng danh sách của đoàn kiểm tra liên ngành
Như dự án khu nhà ở Him Lam, quận 7, chủ đầu tư là Cty CP Him Lam với diện tích dành cho cây xanh, thể dục thể thao hơn 47 ngàn m2. Thế nhưng chẳng thấy những công trình đó đâu mà thay vào đó là khu nhà công nhân, khu nhà vệ sinh, nhà trưng bày, nhà để xe, nhà điều hành. Hay ngay tại dự án chung cư Tín Phong, quận 12, theo quy hoạch phải dành hơn 1 ngàn mét vuông làm công viên nhưng thực tế đã biến thành hồ bơi và dãy nhà bằng bê tông cốt thép.
Đó chỉ là một vài dẫn chứng cụ thể, trong danh sách của đoàn kiểm tra liên ngành còn chỉ ra hàng loạt các dự án vi phạm, “bớt xén” phần mảng xanh để thành những công trình khác.
Theo ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, sau đợt kiểm tra này, đương nhiên sẽ kiên quyết phạt nặng các chủ đầu tư vi phạm và buộc phải hoàn trả phần diện tích “ăn bớt, ăn xén”. Nếu chây ỳ, không thực hiện thì sẽ dùng biện pháp mạnh là “cưỡng chế” theo quy định.
Nhẹ nhàng hơn chút thì lại có 17 dự án “quên” xây dựng mảng xanh và những lý do của các chủ dự án này đưa ra là: Do không còn khả năng tài chính để thực hiện dự án theo phương án đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hoặc vướng các thủ tục pháp lý về đền bù giải phóng mặt bằng. Hoặc đang lập thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch…
Lợi ích cá nhân
Những lý do của các chủ đầu tư trong 17 dự án “quên” xây dựng mảng xanh thì có thể nói rằng đứng ở khía cạnh do nguyên nhân “chủ quan, khách quan” đều có đủ. Tuy nhiên dù sao thì những phần chính, chủ yếu, cốt lõi của dự án sinh lợi cho chủ đầu tư đã hoàn thành. Những lợi ích của cộng đồng, của xã hội đều… “xét sau”. Thậm chí như 15 dự án “ăn bớt, ăn xén” phần diện tích mảng xanh, lợi ích của cộng đồng, xã hội chẳng đáng để ngó ngàng.
Theo các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Đất đai năm 2003, những nguyên tắc sử dụng đất đã được nói rất rõ. Cơ bản nhất, quan trọng nhất là đất phải được sử dụng đúng mục đích được phê duyệt. Tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích của người sử dụng đất xung quanh. Vậy chỉ trong một đợt kiểm tra, mới thấy hết việc bất chấp các nguyên tắc, quy định của các chủ đầu tư dự án.
Và mặt khác, dư luận đặt ra câu hỏi những vi phạm đó đã xảy ra bao lâu và công tác giám sát thực hiện dự án như thế nào? Sao không được ngăn chặn ngay từ đầu? Đến khi kiểm tra thì lại phát hiện nhiều sai phạm đến như vậy.
Môi trường sống của TP.HCM ngày càng tốt hơn hay xấu đi? Chỉ biết rằng những tòa nhà cao tầng, những khối bê tông đang ngày càng mọc lên và mảng xanh cho các thị dân có nguy cơ ngày càng teo tóp đi. Trong khi việc phát triển mảng xanh cho thành phố cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, vì đạt chỉ tiêu khá khiêm tốn từ 10 - 15m2 đất trồng cây xanh/người vào năm 2020 thì phải tiêu tốn đến khoảng 80 nghìn tỷ đồng. Theo nhiều chuyên gia, chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách khó có thể thực hiện được và cần huy động nguồn lực khác. Còn thực tế hiện nay, đất trồng cây xanh còn chưa đến 2m2/người, quá thấp so với các thành phố hiện đại khác trên thế giới.
Thành phố có thể sẽ không còn mảng xanh nào nếu như các chủ đầu tư của các dự án nói trên chỉ biết chạy theo lợi ích của chính mình. Đừng để môi trường tự nhiên của TP.HCM trở nên ngột ngạt, thiếu mảng xanh, thiếu sân chơi giải trí cho người dân.
Theo Thể Thao & Văn Hóa
10:24 30/10/2013 Vì một nền kiến trúc xanh, hiện đại, đậm bản sắc dân tộc
10:46 26/08/2013 Lớp vỏ “xanh” cho công trình xanh
10:19 05/08/2013 Thiết kế khu vườn của riêng bạn
09:48 12/03/2013 Không gian xanh trên sân thượng
16:37 21/02/2013 The New York Times nói về ngôi nhà xanh tại Việt Nam
15:43 23/01/2013 Ngắm kiến trúc tuyệt diệu của công viên Taekwondo
11:40 05/01/2013 Điểm nhấn xanh
11:15 23/11/2012 Những kiến trúc nhà hang sinh thái
08:37 21/11/2012 Mô hình nhà sinh thái “Para – eco”
11:07 23/11/2012 Xứ sở thần tiên ở New Zealand
Công ty CP Kiến trúc cảnh quan sinh thái Tùng Lâm - 315 Âu Cơ - Tây Hồ - Hà Nội
Sản phẩm Cây cảnh, thác nước mini, hoa đá, Bon sai - Dịch vụ thiết kế sân vườn sinh thái - Cộng đồng Cây cảnh trên Google+