Vườn cảnh và cây cảnh trong gia đình là thành phần không thể thiếu vắng trong công trình kiến trúc, nhất là đối với nhà ở hoàn hảo, nếu trong trang trí nội thất và ngoại thất, bạn không xem vườn cảnh và cây cảnh là một phương tiện có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng thẩm mỹ của công trình. Người chủ ngôi nhà chẳng mấy ai là không thích trồng dăm khóm hoa, vài chậu cảnh để cho ngôi nhà của mình có hồn, để ngắm nhìn những khi thư nhàn, để mà thưởng thức vẻ đẹp của một thế cây, một nụ hoa hàm tiếu...
Đã là thú chơi thì tuỳ chủ nhân: song dù là vườn cảnh gia đình hay cây cảnh cũng đều có những nguyên tắc cần theo mới mang lại hiệu quả thẩm mỹ và tâm lý mong muốn.
Trước hết, nói về vườn cảnh. Vườn cảnh gia đình thường không phô bày ra ngoài đường phố mà nên ẩn dấu, thấp thoáng sau tường rào và cần có ý đồ sắp đặt ngay từ đầu, không tuỳ tiện. Khi xây dựng vườn nên tuân thủ các điểm sau:
- Chỉ trồng những cây xanh hợp với khí hậu trong vùng, những cây mà kinh nghiệm dân gian thương trồng làm vườn cảnh, những cây đảm bảo vệ sinh môi trường (ít rụng lá, hoa quả không nhử ruồi nhặng đến, lá không gây độc hại).
- Không san phẳng mặt bằng cũ mà tận dụng thế đất, các bụi cây sẵn có, các tảng đá hoặc lách nước nhỏ
- Coi trọng ba đặc điểm cơ bản của vườn gia đình Phương Đông là: đơn giản, vừa đủ, gắn với thiên nhiên
- Không bắt chước hoàn toàn mẫu vườn nào có sẵn, thể hiện được ý tưởng hoặc cá tính của chủ nhân.
Cần nhớ rằng vườn gia đình là phong cảnh thiên nhiên đã thu nhỏ lại, đã được mô phỏng và đưa sát lại ngôi nhà của bạn. Vì vậy, nó phải phảng phất núi non, rừng cây, sông nước. Đá, cây, mặt nước là ba thành phần quan trọng của vườn cảnh gia đình.Các thành phần này được thể hiện một cách sinh động, không cứng nhắc. Chẳng hạn, nói đến đá nhiều khi ta nghĩ ngay đến hòn non bộ, tảng giả sơn lừng lững trong vườn.Không hoàn toàn như vậy Chỉ với vài phiến đá mỗi lối đi, vài hòn sỏi lót đáy lạch nước cũng đã tạo ra một cảnh giàu chất suy tưởng rồi. Cần có đá để biểu hiện sự trường tồn, từng trải, hùng vĩ, có thể phù hợp với cá tính ông chủ nếu nhấn mạnh thành phần này. Cũng như vậy, cần hiểu cây xanh theo nghĩa trồng cây, cỏ và cả rêu cũng đều là cây xanh và nếu thiếu đi bất cứ loại nào thì vườn của bạn kém đi nhiều vẻ tự nhiên. Không quá ham trồng cây lớn và cũng đừng chú ý tập tung vào cây hoa. Đối với vườn cảnh Phương Đông, với nguyên tắc là hợp tự nhiên, nên trồng cây theo vị trí không đối xứng, phân cụm theo số lẻ. Cây trồng phải chú ý tới động thái theo mùa của chúng: cây hay rụng lá chỉ nên trồng sát tường nhà, những cây xanh tốt quanh năm tại phô ra giữa vườn. Có thể kết hợp trồng cây ăn quả và rau xanh, song nhớ rằng chỉ là phụ trợ có mức độ cho cảnh thêm sinh động mà thôi.
Tạo mặt nước là việc nên làm trong vườn cảnh gia đình nếu có điều kiện không nhất thiết phải là đào ao, xẻ lạch. Trên mặt đất nhỏ, khiêm tốn, chỉ cần toạ mặt nước không quá một thước vuông cũng đã gây hiệu quả tâm lý đáng kể, mà việc này chẳng khó khăn gì. phải hiểu rằng, ngay khi không có nước cũng vẫn tạo được cảnh giả: với một lòng rãnh khơi, dăm viên cuội, vài ba cây dại trồng ven bờ, thế cũng là cả nh nước. Ở ta là xứ hay mưa, những chỗ như vậy đâu có khô được mãi, mà tự nhiên sẽ mạng lại cho ta những mặt nước rất đỗi nên thơ.
Để vườn cảnh gia đình đảm bảo gần với thiên nhiên, cũng có những điều kị. Chẳng hạn sử dụng có mức độ cây hoa để tôn cảnh sắc, không được giảm nền xanh của cây xanh, không dùng vật liệu phi tự nhiên như kim loại, chất dẻo làm chậu cây, bồn hoa. Không tỉa cây theo hình dạng cầu kỳ, xa lạ với tự nhiên, những thứ khác như hàng rào sắt, ghế đá (nếu có) không được sơn quét các màu xa lạ với màu chung của vườn.
Thứ hai nói về cây cảnh. Tất nhiên chơi cây cảnh là phải tốn kém, công phu và...có nghề càng tốt. Ngoại trừ các nhà có nghề trồng và chơi cây cảnh, chúng ta, chủ ngôi nhà là người thưởng thức, cũng cần có một ít hiểu biết về thú chơi này. Nếu như vườn cảnh nói chung làm vui mắt người ở ngoại cảnh, thì cây cảnh đi sâu nội tâm và gần gũi với tâm hồn con người. Mỗi người một sở thích, vậy cây chọn cũng tuỳ lòng.Mai, lan, cúc, trúc dành cho người giàu tình yêu thiên nhiên, các thế cây khác nhau dành cho người mến tình bè bạn, kẻ trọng nghĩa anh em.
Ở đây, chẳng dính vào việc nhân giống (giâm, chiết, ghép) làm chi, vì thực ra phải có nghề. Trăm hay không bằng tay quen, ta cũng làm được, nhưng kinh nghiệm không có thì cây chẳng ra cây, loài chẳng ra loài. Ta là người sử dụng, thưởng thức, nên quan tâm nhiều đến việc tạo thế, tạo tán cho cây, đặt cây đúng chỗ thích hợp và biết những điều cấm kị.
Để có thế cây và tán lá theo ý mình phải uốn tỉa ngay từ khi cây còn non. Buộc cành cây bằng dây đồng nhỏ ta sẽ có tán đều và dáng đẹp Với thủ thuật đục, khoan tạo hốc, làm sẹo trên cây ta có thể tạo cho cây già cỗi đi, trở thành “cổ thụ” Với cách chăm sóc tinh tế: khi cắt dễ chỗ khỏe, tưới nước chỗ yếu, cây sẽ có dáng vẻ, sắc màu ngoạn mục, cây sẽ không phụ lòng người chủ.
Về thế cây, có thể điểm một vài tên quen thuộc: thế độc trụ, song thụ, quần anh, tam đa, ngũ phúc, huynh đệ, phụ tử, trạng nguyên, tam trí, thấp tán, thăng long, giáng long, long vĩ... Đó là những thế chính, người chơi cây cảnh có thể sáng tạo những thế mới tuỳ thích, miễn là thoả mãn được những ước lệ tinh tế bây lâu trong nghề chơi cây cảnh.
Có cây đẹp rồi, phải biết chọn vị trí đặt cây. Căn cứ vào đâu .mà bố trí? Phải căn vào yêu cầu sinh trưởng của cây và đảm bảo tính thẩm mỹ nội ngoại thất công trình . Trước hết phải tuân theo nhu cầu về ánh sáng của cây, phân biệt được cây cần bóng râm hay cần nhiều ánh sáng. Nếu là cây cần bóng râm thì đặt dưới tán cây lớn hoặc hiên cửa sổ, ban công, lô gia. Thuộc loại này có các loại lan (phong lan, địa lan), sói, tuế. Cũng có thể đặt ngay trên đôn, treo trong nhà; thậm chí bầy trên xích đông, giá sách, tủ tường. Ngoài ra còn có tài lộc, thiết mộc lan, vạn niên thanh... Nếu là cây cần ánh sáng thường là những cây hoa hoặc lá có nhiều màu sắc, hoặc thân gỗ sống lâu năm như cây si, la hán, xanh bông trang, hồng... thì phải để ở chỗ có nắng. Tuy nhiên cần được điều chỉnh, thay đổi chỗ các chậu cây khi hiện tượng lá và thân cây vươn dài, chuyển màu trắng bệch hoặc cây lá nhỏ không vương được ngọn thì phải đưa vào râm mát.
Chế độ tưới cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Đối với các loại cây của xứ nóng khô, thân gỗ lá nhỏ thì ít cần tưới. Thuộc loại này có sứ, hoa giấy. Trái lại, những cây lá to bản, ưa ẩm lại phải tưới thường xuyên. Có loài cây không cần nước như xương rồng vẫn sống và phát triển năm này qua năm khác. Trồng cây cảnh cũng cần biết những điều không nên làm: chậu xi măng dễ hút nước, hay phải tưới nhiều - nên sử dụng chậu sứ men gốm, granitô. Nhớ rằng dưới đáy chậu phải có lỗ thoát nước và phải lót sỏi ở đáy chậu trước khi đổ đất để dễ thoát nước. Cũng không nên đổ đất đầy chậu để tạo điều kiện cho nước tưới thấm được xuống đáy chậu.
Chắc có bạn còn hỏi về việc bón phân cho cây cảnh . Điều này hết sức hạn chế, nhất là đối với cây thế, vì cây cảnh phát triển càng chậm thì càng tốt. Tuy nhiên có một số loại cây cần bón như địa lan, thì chỉ bón bằng bùn ao phơi ải.
Sưu tầm!