Không chỉ ở vùng Mê Linh, Tây Tựu… những vườn hoa của người Hà Nội trên đất Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang… cũng rực rỡ sắc hương. Trồng hoa ngay tại quê mình đã khó, đưa hoa Hà Nội đến trồng nơi khác lại càng khó hơn.
Ươm những ước mơ
Mê Linh, Tây Tựu, Thường Tín… như những thảm hoa. Trên cánh đồng hoa Mê Linh, nàng xuân đã gõ cửa sớm hơn trong không khí tấp nập. Nhà nhà, người người chăm sóc, cắt tỉa hoa. Giữa cánh đồng, một thanh niên say sưa chỉ dẫn người dân cách ém nụ, phun thuốc để giữ hoa nở đúng dịp Tết. Người đó là Nguyễn Văn Bảy, cán bộ khuyến nông xã Mê Linh. Anh Bảy cho biết, từ năm 1993, khi nghề hoa xuất hiện ở đất này đã mang theo bao nhiêu khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Anh Bảy dẫn chúng tôi đến vườn nhà anh Phạm Văn Lợi, người đầu tiên mang hoa về trồng ở Mê Linh.
Nông dân xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm thu hái hoa. Ảnh: Bá Hoạt
Gia đình anh chủ yếu buôn đường dài, nhưng không gặp vận, mất toàn bộ tài sản, năm 1990, anh phải đi học nghề trồng hoa ở Vĩnh Tuy, Quảng Bá. Ban đầu làm 2-3 sào ở nhà, từ việc ươm cây giống đến cách chăm sóc đều gặp rất nhiều khó khăn. Kỹ thuật không có nên năng suất hoa không cao, thị trường tiêu thụ chưa hình thành, đành ngậm ngùi chấp nhận thất bát. Nhưng cũng chính từ sự thất bại đó, anh đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng hoa; quen với công việc kinh doanh từ nhỏ, nhạy bén hơn với thị trường, dần có những mối khách quen, lợi nhuận túc tắc đến dần, giờ thì thu nhập gấp 3-4 lần so với cấy lúa. Bà con họ mạc, người dân xung quanh tìm đến học cách trồng hoa, đến năm 1993, Mê Linh đã phát triển thành một vùng hoa gần 300ha. Tết năm nay, hoa Mê Linh có được mùa không? Anh Lợi đủng đỉnh: Chắc cũng được mùa, nhưng cái nghề này phụ thuộc cả vào thời tiết, chả biết thế nào mà lường.
Không phải người nào cũng "phất lên" nhờ trồng hoa, song khi trồng hoa là trồng cả những ước mơ và hy vọng. Năm nay nhờ ơn trời đất, mưa thuận gió hòa, hoa sinh trưởng và phát triển tốt.
Bên vườn hoa cúc, bà Lê Thị Lành ở xã Tây Tựu (Từ Liêm) cho biết, đối với người trồng hoa, khi ươm một cây giống xuống cũng là ươm cả những ước mơ, bởi chúng tôi hy vọng khi cây đâm chồi, nảy lộc, ra hoa không những mang lại hương sắc cho đời mà còn cải thiện được cuộc sống cho người trồng hoa và như gia đình tôi cũng vậy, mua sắm, sinh hoạt hằng ngày, nuôi con ăn học đều từ mấy sào hoa.
Lan tỏa sắc hương
Người ta bảo, thị trường hoa chuyển động là dấu hiệu đầu tiên của không khí ngày xuân quả không sai. Với sự năng động và nhạy bén, người trồng hoa Hà Nội không chỉ canh tác trên mảnh đất quê mình mà còn mang hoa Hà Nội đi trồng ở khắp các tỉnh miền Bắc, những nơi có khí hậu mát mẻ, thuận tiện cho hoa sinh trưởng và phát triển. Đến Sa Pa, lên thăm Ô Quý Hồ, người yêu hoa sẽ ngỡ ngàng khi tận mắt chiêm ngưỡng những vườn hoa hồng Pháp trải dài dưới chân núi Hoàng Liên Sơn. Khi công nghiệp đang len lỏi về những vùng quê, từ năm 2004, người dân Mê Linh đã bắt đầu nghĩ tới việc thuê đất ở các nơi lân cận để trồng hoa. Tới nay, cả xã đã có tới 90 hộ mang hoa lên Sa Pa, Sơn La, Hà Giang... Theo người dân Mê Linh, trồng ở các nơi khác, hoa vừa đẹp và năng suất cao hơn. Nếu như trồng hoa tại Mê Linh cho thu nhập 10 triệu đồng/sào/năm thì hoa trồng tại Sa Pa lại có giá trị 15 triệu đồng/sào/năm. Có lẽ vì thế, mà những người dân ở đây đã tìm đến những miền đất lạ, mang hương hoa Hà Nội đi khắp các nơi để rồi quay ngược trở lại tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.
Anh Nguyễn Tiến Thuận là người đầu tiên ở Mê Linh đi thuê đất trồng hoa. Anh nói: Trồng hoa hồng như nuôi con mọn, phải biết cách chăm nếu không hoa nở không đều hoặc lá bị bệnh chấm đen làm cây chết. Hiện nay, ở Ô Quý Hồ có 40 hộ dân Mê Linh lên trồng hoa với diện tích khoảng 45ha. Để thuận tiện cho việc đi lại cũng như quản lý vườn hoa trồng trên đó, chúng tôi thường đi một nhóm với nhau, một tuần lên Sa Pa một lần, hợp đồng với xe ô tô, chở vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu lên Sa Pa và xe từ Sa Pa lại chở hoa về chợ Mê Linh, tiêu thụ khắp nơi. Mặc dù công việc rất vất vả nhưng hoa Hà Nội ở mảnh đất nào cũng đâm chồi nảy lộc. Giá trị thu cũng rất cao, các hộ làm ăn lớn có thể thu nhập 1-2 tỷ đồng/năm, ít cũng được 200-300 triệu đồng/năm. Thế nhưng nghề trồng hoa cũng như chuyện xa xứ mưu sinh không đơn giản, thậm chí phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Tết đến Xuân về, người trồng hoa hy vọng năm cũ qua đi sẽ mang theo những điều chưa tốt của cuộc sống và sang năm mới cuộc đời sẽ có những thay đổi mới, thời tiết sẽ thuận hòa để những cánh đồng hoa thêm hương sắc, thu nhập của người dân cũng cao hơn. Và rồi đi bất cứ nơi đâu, người yêu hoa cũng được thưởng ngoạn hương sắc của hoa Hà Nội.
Nguồn: baomoi.com