Điều đầu tiên của ‘Nghệ thuật cảnh quan rộng’ là việc chọn địa điểm. Phần lớn các điều kiện tiên quyết không phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Nhưng những mẫn cảm về vị trí, về hình thái địa cảnh, về hiện trạng và tiềm năng biến thái của cảnh quan, về khu hệ sinh thái, về các trường nhìn và góc nhìn, về văn hóa cảnh quan khu vực… thì hoàn toàn là của nhà đầu tư.
Giàu làm nhà, sang làm vườn
Một thoáng hồi cổ
Trước đây, tiền nhân chúng ta tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa và văn hóa Châu Âu rồi đặt ra cái “chuẩn” giá trị là lạ: “cơm Tàu, vợ Nhật, nhà Tây”. Giờ đây,chuẩn này có lẽ không còn chính xác.
Chuẩn “nhà Tây” cho sự sang trọng của nơi ở, sự đài các và xa hoa của các lâu đài, vườn uyển châu Âu lại có gốc gác từ vùng Tây Á, từ văn hóa Hồi giáo. Châu Âu thời Trung cổ là một vùng đất kiệm tiện được đan giằng bởi các cuộc Thập tự chinh, các chuyến viễn du trên con đường tơ lụa và các cuộc chiến tranh giữa các chủ đất. Các chuyến giao lưu viễn du đó không chỉ mang lại cho châu Âu của cải mà cả những hình ảnh và cảm nhận về sự sang trọng, vương giả của lâu đài, vườn uyển Hồi giáo.
“Các cộng đồng lớn hình thành các đô thị đầu tiên trên thế giới, phát triển giữa năm 5000 và 3500 TCN có thể ở Anatolia và đồng bằng bờ Đông Địa Trung hải. Đô thị hóa trải rộng đến vịnh Persian và xa hơn. Tây Á trở thành vùng đa ngôn ngữ, đa văn hóa, nhiều cuộc xâm lược và đế chế quân sự đầu tiên được biết đến trong lịch sử. Văn hóa Hy Lạp và La Mã có gốc rễ từ đây”
Sự hùng mạnh của các Đế chế Tây Á, các lãnh địa rộng lớn của các Hồi Vương, môi trường địa lý và thời tiết khắc nghiệt và nhất là huyền thoại về ngôi vườn nơi Thánh Muhammad cư ngụ ở Mecca, vườn “Thiên đàng tượng trưng” trong kinh Koran đã khiến các Hồi Vương say sưa với nghệ thuật xây dựng và làm vườn. Những khái niệm như ‘vườn Thiên đàng’, ‘vườn treo’, ‘vườn 4 phần với 4 kênh: nước-mật-sữa-rượu vang’, ‘vườn rừng săn bắn’, ‘vườn bách thú – bách thảo’, ‘mê cung’… hay các thuật pháp design hình học đều có nguồn gốc từ văn hóa Hồi giáo nói chung và vùng Tây Á nói riêng. Nhà nghiên cứu lịch sử vườn Gothein M.L đã khẳng định: “Người châu Á tin rằng họ mới thực sự là những người sáng tạo ra công viên, công viên phải có hàng rào và phải là một rừng cây rậm rạp”.
Khu vườn lớn Khirbat al Mafjar rộng 60 héc-ta của Hồi vương Umayyad, các công viên săn bắn của Hồi vương Tiglath-Pilester I từ thiên niên kỷ đầu tiên TCN, các kênh dẫn nước của người Ba Tư xuyên sa mạc để trồng trọt, các vườn mộ và vườn uyển Hồi vương ở Kashimir với kênh nước thẳng tắp hàng chục cây số, thác nước đổ xuống từ hàng trăm mét cao phân thành nhiều cấp… không chỉ đơn thuần là khát vọng cảnh quan mà còn là biểu tượng quyền lực của các Quốc vương Hồi giáo. Sự xa hoa, quý phái kiểu Hồi giáo đã mở rộng quy mô của vườn, nối dài các trục thị giác đến chân trời, kéo các đỉnh núi thần linh, các cánh rừng nguyên sinh vào không gian thị giác của vườn. Họ dựng lên trên những kênh nước, đài nước nghệ thuật, ‘ngai nước’ – lầu quán trên mặt nước – và các bộ sưu tập cây quý. Nguyên tắc Hồi giáo không dùng nhân ảnh trong nghệ thuật đã sáng tạo ra các thuật pháp tổ hợp hình học, các dạng hình học, các trục đối xứng, các mạng biến hình cơ bản tạo nên các góc nhìn rộng mở, không giới hạn. Đó chính là các nguyên tắc cội nguồn của nghệ thuật tạo hình cảnh quan rộng.
Phải hơn một thiên niên kỷ sau, vào thế kỷ XVII – XVIII, các nguyên tắc đó được người châu Âu hoàn thiện cả trong thực tiễn và lý luận khi tạo ra phong cách vườn Baroque (ba-rốc). Loại vườn này vượt trên các nguyên tắc của những loại tiểu cảnh quan như vườn đền Hy Lạp, vườn dinh thự cung điện La Mã, vườn tượng trưng Trung cổ và vườn tri thức-nghệ thuật thời Phục hưng. Vườn baroque thời cực thịnh đã đạt đến sự khoáng đạt của đại cảnh, sự chuyển tiếp của các lớp cảnh quan, sự vô cùng của trường thị giác và các tầng ý nghĩa đọng lại trên các điểm nhấn cảnh quan, trên các giao trục giao thông, trục tổ hợp thị giác. Cũng giống như vườn Hồi giáo, vườn baroque được bảo đảm bởi sự phát triển của hình học, triết luận nghệ thuật và đặc biệt là sự giàu có, sự thống trị của các Hoàng đế, của giới hoàng tộc tài phiệt. Quyền lực và tiền tài là bà đẻ cho nghệ thuật cảnh quan rộng.
Nicolas Fouquet, Bộ trưởng tài chính của Hoàng đế Louis XIV, người khởi đầu cho phong cách nghệ thuật cảnh quan rộng châu Âu, đã xây dựng cho mình vườn Vaux-le-Vicomte, do kiến trúc sư cảnh quan baroque bậc thầy Le Nôtre thiết kế. Đây là vườn lịch lãm và hài hòa hình học nhất thời baroque thịnh. Khu vườn tiêu tốn khoản chi phí khổng lồ lên đến 16 triệu bảng và 18.000 nhân công lao động ngày đêm.
“Để làm rõ trật tự nền lâu đài, vườn và không gian xung quanh, Fouquet cần mua 3 biệt thự và đặt trên cao. Vườn được làm nhanh đến kinh ngạc, trên toàn khu vực. Năng lực tài chính và của cải vô hạn sẵn sàng chi tiêu khiến ông tạp được ngày lao động hăng sau. Ông đã thuê đến 18.000 người và chi phí 16 triệu bảng”.
“ Nếu nhìn từ mặt bằng và theo kiểu phối cảnh chim bay. Vaux nhu nhỏ lại khi ta hiểu kỹ hơn công trình. Cũng giống như các bố cục khác của Le Nootre, nó được làm ra để ngắm từ dưới mặt đất, và cần thời gian. Nếu nhìn thoáng qua thì không giữ được gì trong đầu”.
“Với một vài vườn lớn ở Pháp, như Vaux và Versailles, người ta hiểu rằng, ngoài cái đẹp ra là một tài lực khổng lồ đã tiêu tốn ở đây, những dịch chuyển vĩ đại hình hài của mặt đất và biết bao năng lực sáng tạo thiết thực đã được ứng dụng” .
Sự lịch lãm, đài các và vương giả của Vaux-le-Vicomte đã khiến Hoàng đế Louis XIV không chịu nổi, ông xung công các bức tượng vườn và lệnh cho Nicolas Fouquet cùng đồng sự của mình xây dựng vườn uyển nổi tiếng hàng đầu thế giới: Versailles. Đó là tác phẩm bậc thầy của nghệ thuật cảnh quan rộng, kiệt tác kinh điển của phong cách vườn baroque Pháp và cũng là biểu tượng quyền lực đích thực của Louis XIV. Các kênh nước dài 2km, các trục đường lớn cho cảnh quan rộng và phi ngựa săn bắn, hệ thống thủy lực khổng lồ Machine de Marly phải bơm 5000 m3 ngày lên cao 150 m, hệ thống đài nước nghệ thuật hàng ngàn mét, tượng vườn của 50 nhà điêu khắc…vừa là các biểu hiện của nghệ thuật cảnh quan rộng vừa là các tượng đài quyền lực của Louis XIV.
Về sau, nghệ thuật cảnh quan rộng đã có nhiều biến đổi, nhưng các nguyên tắc về quy mô rộng lớn, sự đa dạng của hình thái địa lý, sự mênh mông của mặt nước, sự bao la của rừng cây. Thêm vào đó là những hệ trục giao thông hình sao rộng dài cho các đoàn tùy tùng phi mã khi đi săn, những hệ trục thị giác quy tụ ở chân trời hay trên đỉnh núi, sự tham nhập của nghệ thuật tạo hình vào không gian thiên nhiên, các nguyên tắc tổ hợp hình học…và nhất là tương quan: quyền lực – tài lực – nghệ thuật luôn được tuân thủ.
Thế kỷ XVIII – XIX, phong cách “Vườn lãng mạn” (Romantic Garden) được hình thành trên nền triết luận thiên nhiên của chủ nghĩa Platon mới (Neoplatonism), sự mô phỏng hội họa cảnh quan đương thời, trên một nền dân chủ mới và thực tiễn của phong cách baroque. Ở đây có sự gặp gỡ giữa các nguyên tắc thẩm mỹ hội họa cảnh quan và thẩm mỹ cảnh quan rộng. Các lớp viễn cảnh, trung cảnh và cận cảnh của hội họa được đưa vào tổ hợp không gian, tính ‘quy tắc hình học’ được giảm bớt và thay dần bằng tính ‘bất quy tắc’ của hình dạng thiên nhiên. Các trục thẳng tắp và ‘vô tận’ được mềm hóa bằng các đường cong tự nhiên, nhưng vẫn rất dài và liên tục. Cảnh quan rộng lớn giờ đây có thêm nhiều khoảng trống: những bãi cỏ trải rộng trên mặt đất. Sự hà khắc của Giáo hội Anh giáo tạo nên nhu cầu tự do trong công việc và ứng xử xã hội nước Anh lúc bấy giờ. Nước Anh là quê hương của phong cách “Vườn lãng mạn” (Romantic Garden).
“Đó là xu hướng lịch sử vườn Anh quốc nhìn thấy sự khởi đầu của cảnh quan vườn xuyên qua lăng kính của chủ nghĩa yêu nước. Nhiều nhà thiết kế Anh quốc dũng cảm bác bỏ chế độ chuyên quyền và lấy cảm hứng từ các phác họa ý tưởng của mình từ thơ, họa, cái lý, thiên nhiên và nền dân chủ, họ nói đã có một nguyên gốc, một phong cách mới, rực rỡ có được đầu tiên tại nước Anh, chứ không phải Châu Âu” (5)
Một thoáng hồi cố để nhận biết con đường phát triển của nghệ thuật cảnh quan rộng, với một số nguyên tắc xây dựng và tạo hình và 3 miền đất điển hình: văn hóa và các đế chế Hồi giáo; tinh thần ‘khai sáng’ và Hoàng đế Louis XIV của nước Pháp; tinh thần tự do và chủ nghĩa lãng mạn Anh quốc.
Nghệ thuật cảnh quan rộng (Large Landscape Art)
Nghệ thuật cảnh quan rộng không chỉ bó hẹp trong phạm vi cảnh quan ‘vườn’. Ta có thể gặp ở cảnh quan đường, trong cảnh quan vùng hay cảnh quan đô thị, cảnh quan thiên nhiên…Trong bài viết này, người viết chỉ giới hạn trong phạm vi cảnh quan khu du lịch nghỉ dưỡng và cũng chỉ là những chuyện kể phi giáo khoa.
Điều đầu tiên của ‘Nghệ thuật cảnh quan rộng’ là việc chọn địa điểm. Phần lớn các điều kiện tiên quyết không phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Nhưng những mẫn cảm về vị trí, về hình thái địa cảnh, về hiện trạng và tiềm năng biến thái của cảnh quan, về khu hệ sinh thái, về các trường nhìn và góc nhìn, về văn hóa cảnh quan khu vực… thì hoàn toàn là của nhà đầu tư. Nếu tất cả những rung động đó chỉ là vì một cành cây, một màu hoa hay một cánh chim trời… thì có lẽ “Nghệ thuật cảnh quan rộng” khó có cơ duyên hình thành. Phải là những rung động từ thế đất, từ hình thái địa cảnh và độ rộng của trường thị giác tại địa điểm. Một hình ảnh mơ hồ nào đó của cảnh quan tương lai cũng là những tín hiệu nhân duyên của cảnh quan rộng
Nghệ thuật tổ hợp cảnh quan rộng luôn cần đến các hệ trục. Có thể là trục thị giác, trục giao thông hay chỉ là trục ảo. Các trục đó có thể có dạng hình học quy tắc hoặc dạng tự nhiên miễn là tạo được sự liên tục và không ngừng trong nhịp điệu phát triển. Các hệ trục luôn đi liền với hệ thống các điểm nhấn và điểm kết. Các điểm kết mới là đặc thù của cảnh quan rộng. Khoảng cách các điểm nhấn trong cảnh quan rộng thường khoảng 150 – 300m. Các điểm kết thường ở cuối một khuôn hình, nên có thể nằm trong địa giới hoặc ngoài rất xa địa giới. Các nhu cầu đó cần đến sự quy mô lớn của đất, sự đa dạng của địa hình. Cảnh quan rộng mở ra các trường nhìn rộng, nên tính định hướng qua trục, qua điểm nhấn, qua hình dạng điển hình, qua tính lặp lại của hình thái cảnh quan, qua các mảng khối lớn… là rất cần thiết. Nghệ thuật vườn nhỏ cần đến tiểu cảnh, nghệ thuật cảnh quan rộng cần đến các lớp hình ảnh, các chuỗi phối cảnh. Đó là tính động và tĩnh, khép và mở, nhất thời và liên tục của hai loại hình nghệ thuật cảnh quan.
Nhận cảm ý nghĩa và hình ảnh cảnh quan rộng thường không rõ ràng và đa nghĩa, nhiều liên tưởng. Muốn trình diễn một điều gì rõ ràng cần phải dùng đến các phép nhận biết như: tương tự, dị biệt, chuỗi hình ảnh liên tục, các lớp khung hình… Nếu ngược lại ta sẽ có các huyền ảo thị giác. Thiên nhiên trong ‘Nghệ thuật cảnh quan rộng’ không chỉ đơn thuần là tự nhiên vốn có mà là tự nhiên được văn minh hóa. Người ta thường lên núi cao để nhìn xuống, hay đến bờ biển nhìn ra chân trời… là những nhu cầu nhận cảm cảnh quan rộng. Tiếp cận đại cảnh cần đến một nhận cảm thị giác về độ rộng trong không gian. 01 héc-ta là bao nhiêu, đến đâu? 10 héc-ta thì khác thế nào? Một nhận cảm khái quát là rất cần thiết cho việc tạo lập hay cảm nhận nghệ thuật cảnh quan rộng.
Chuyện vẫn còn rất dài…
KTS. Nguyễn Luận
(Theo bản tin Khoảng trời mơ ước)